Cuối năm thường là thời điểm đẹp nhất năm. Thời điểm này của năm nay còn đẹp hơn khi cuộc sống dần trở lại ổn định hậu đại dịch. Tuy nhiên, theo Andrea Chan, trợ lý giám đốc Trung tâm Dịch vụ Sức khỏe tâm lý TOUCH, nhiều người vẫn dễ cảm thấy buồn hoặc tâm trạng thất thường trong suốt mùa đẹp nhất năm.
"Dù không có con số cụ thể nhưng theo quan sát của chúng tôi, nhiều khách hàng có xu hướng buồn bã hơn vào cuối năm. Điều này có thể do họ thiếu sự quan tâm từ gia đình hoặc những mối quan hệ xung quanh trong mùa cuối năm - mùa của sự vui vẻ", cô giải thích với Channel NewsAsia.
Theo bác sĩ Ivy Lim, Chuyên gia tư vấn cấp cao kiêm Trưởng khoa Y Thể thao và tập luyện của Bệnh viện Đa khoa Changi (Singapore), năng hoạt động có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần.
"Đầu tiên, tập thể dục làm giảm nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm. Nếu đã mắc chứng bệnh này, hoạt động thể chất có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm", bà cho biết
Khi tập thể dục, các hormone cải thiện tâm trạng như dopamine và serotonin cũng như các chất giảm đau như beta-endorphin và endocannabinoids đồng thời tiết ra giúp con người cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
Tập thể dục kích thích não tiết ra các hormone giảm đau và cải thiện tâm trạng, từ đó tránh trầm cảm. (Ảnh: iStock).
Ngoài ra, tập thể dục làm tăng nhịp tim, kích thích não sản xuất các hormone thần kinh. Các hormone này không chỉ cải thiện tâm trạng mà còn cả nhận thức của con người.
"Tập thể dục buộc hệ thống thần kinh trung ương và giao cảm trong cơ thể giao tiếp với nhau, cải thiện khả năng đối phó với căng thẳng của cơ thể", bà Chan bổ sung.
Bên cạnh đó, năng vận động cũng có thể làm giảm các dấu hiệu viêm trong cơ thể. Những dấu hiệu này có thể là tiền thân của các bệnh viêm như tiểu đường loại 2, hen suyễn, viêm khớp dạng thấp và một số bệnh ung thư nếu không được kiểm soát.
"Có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng và các bệnh viêm nhiễm góp phần gây rối loạn tâm trạng và sức khỏe tinh thần. Tập thể dục giúp giảm viêm, từ đó cải thiện sức khỏe tâm thần", Rachel Soh, nhà vật lý trị liệu chính tại Khoa Vật lý trị liệu của Bệnh viện Tan Tock Seng cho biết.
Theo bà Soh, "không có bằng chứng thuyết phục nào" chứng minh tập bộ môn nào là tốt nhất cho sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, hầu hết nghiên cứu về mối liên hệ giữa tập thể dục và sức khỏe tâm thần đều chủ yếu dựa trên các bài tập aerobic. Đây là bài tập sử dụng các nhóm cơ lớn trong thời gian hoạt động kéo dài.
"Có ít nghiên cứu hơn về các hình thức rèn luyện thể chất khác. Chúng đều có tác dụng tăng cường sức mạnh cơ bắp, sự linh hoạt, nhanh nhẹn, cân bằng và phối hợp", bà Soh bổ sung.
Tuy nhiên, bà cũng khuyến khích con người không nên bỏ qua các bài tập hiếu khí như yoga hay khiêu vũ.
"Người có tập yoga và bơi lội có tâm trạng tốt hơn so với những người không tập bất kỳ bộ môn nào", bà nói.
Tiến sĩ Lim gợi ý nhiều người tìm một bộ môn yêu thích và duy trì luyện tập chúng.
"Khi bạn khỏe hơn và có sức chịu đựng tốt hơn, hãy tăng cường độ của bạn cố gắng tăng cường độ lên để tập được it nhất 150 phút mỗi tuần", bà nói.
Victoria Tymosiewicz, đại sứ của tổ chức Beyond The Label, khuyên con người nên cố gắng đi bộ hoặc chạy bộ mỗi ngày.
"Nếu bạn gặp khó khăn khi bước ra khỏi cửa, chạy bộ 15 phút hoặc đi bộ 30 phút mỗi ngày đã là một bước tiến lớn. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu với những bước nhỏ trước và tăng dần thời lượng hoặc cường độ bất cứ khi nào cảm thấy sẵn sàng", cô nói.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lim cũng cho rằng hoạt động ít còn hơn không có gì. Vì vậy, con người có thể tối ưu hoạt động trong ngày bằng những động tác vươn vai ngắn và đi bộ.
"Bạn không cần phải đến phòng tập nếu cảm thấy không thoải mái. Điều quan trọng là giảm hành vi tĩnh tại như ngồi lâu hoặc nằm trên giường", bà cho hay.