Chị thấy con cúc đá này có đẹp không?

  •  
  • 3.280

GS.TSKH Đặng Vũ Khúc là người ghi dấu ấn quan trọng cho ngành cổ sinh học nói riêng và ngành địa chất nói chung. Tên ông được gắn với tên hàng trăm giống, loài hóa thạch. Ở tuổi 80, điều tâm đắc nhất của ông là đã được làm việc hết mình.

Hóa thạch là chìa khóa

Những hóa thạch cổ này có gì mà khiến ông say mê đến thế?

Chị thấy con cúc đá này có đẹp không? Tên nó là thế vì trông giống như một bông cúc vạn thọ. Ở sườn núi hay ven bờ sông, có thể gặp những lớp đá phiến đen sì, lấy búa đập vào và đột nhiên thấy lăn ra một tảng mà trên mặt có con cúc đá này, chị có thích không? Mà nó tồn tại cách nay những gần 200 triệu năm! Kỷ Jura, kỷ của các khủng long! Có đồ cổ nào sánh được với nó không?

Nhưng niềm say mê đối với hóa thạch của các nhà cổ sinh không chỉ thuần túy là đối với bản thân con hóa thạch, mà chủ yếu là nó là chìa khóa giúp xác định được tuổi tầng đá mà mình nghiên cứu.

Nói thực là ông nói nó đẹp thì tôi cũng biết thế, chứ thực ra không hiểu thế nào là một mẫu hóa thạch đẹp.

Cái đẹp trong thế giới này mỗi người nhìn một khác. Đối với con hóa thạch, cái đẹp của nó ở chỗ nó giúp chúng tôi giải quyết được tốt nhất nhiệm vụ khảo sát của mình.

Năm 1972, trước khi vào vùng Hoàng Mai khảo sát, tầng đá vôi ở vùng này được định tuổi là Trias muộn. Điều đó rất khó luận giải, vì ở thời kỳ này môi trường ở nước ta là á lục địa và lục địa, rất thuận lợi để tạo nên những rừng cây vô cùng rậm rạp, khi chết cứ đè lên nhau để sau này tạo nên những vỉa than màu mỡ mà ta thấy hiện nay ở Quảng Ninh, Phấn Mễ, Nông Sơn.

Mà đá vôi lại thể hiện một môi trường biển sâu. Do đó, khi vào đó khảo sát, nhóm chúng tôi đã tìm được những con cúc đá có tuổi Trias giữa, giúp chúng tôi định tuổi lại tầng đá vôi ở Hoàng Mai và thoát khỏi các mắc míu kể trên. Đó là một trong những sưu tập hóa thạch rất đẹp mà chúng tôi đã thu thập được.


"Có thể đa số dân chúng không biết đến những công việc này của tôi"

Vâng, giờ thì tôi đã hiểu. Nhưng nghe hỏi thế ông có buồn không vì còn ít người hiểu công việc này của ông?

Có thể đa số dân chúng không biết đến những công việc này của tôi, nhưng trong giới chuyên môn, nói đến cổ sinh là người ta biết đến tôi.

Chả thế mà năm nay tôi đã 80 rồi mà vẫn được mời đi thực địa suốt. Với tôi được thế là một niềm vui rồi. Hơn nữa, trong khoa học, cũng có nhiều ngành làm việc âm thầm để mang các thành tựu của mình phục vụ cuộc sống. Gần đây, chúng ta nói nhiều đến các nguồn tài nguyên như bauxite ở miền Nam, quặng titan ở miền Trung, đất hiếm ở Tây Bắc Bộ... Những người làm địa chất chúng tôi cảm thấy rất mãn nguyện, vì các khảo sát và phát hiện của mình đã đem lại một sức sống mới cho nền kinh tế của đất nước.

Ngành địa chất Việt Nam được đánh giá cao

Ông đánh giá thế nào về ngành địa chất của ta hiện nay so với thế giới?

Năm 1986, Tổng cục Địa chất nước ta đã đứng ra tổ chức Hội nghị Địa chất Đông Dương. Cũng từ năm 1986 Tổ chức IGCP (Liên hệ Địa chất Quốc tế) của UNESCO dành một số tập san cho các nhà địa chất Việt Nam công bố tài liệu "Địa tầng và các bể trầm tích ở Việt Nam".

Năm 1994, lần đầu tiên ở Đông Nam Á tôi được Tổ chức IGCP chấp nhận làm Chủ nhiệm Đề án số 306 "Đối sánh địa tầng Đông Nam Á" và năm sau cùng các đồng nghiệp đứng ra tổ chức một Hội thảo quốc tế về "Địa chất Đông Nam Á và các khu vực lân cận".

Như vậy, có thể nói là các tổ chức Địa chất quốc tế, nhất là các tổ chức Địa chất Đông và Đông Nam Á, đánh giá cao hoạt động của các nhà cổ sinh Việt Nam nói riêng, và các nhà địa chất Việt Nam nói chung.


Hai con tôi đều tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất.

Nhưng đấy toàn là từ những năm 80 - 90. Vả lại việc ông đã 80 tuổi mà vẫn phải đi thực địa chứng tỏ sau ông đang thiếu lớp kế cận?

Có thể nói, đó là điều buồn nhất của chúng tôi. Ngành cổ sinh của chúng ta đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ vào những thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ những nhà địa chất Việt Nam tự mình làm công việc khảo sát nền địa chất của lãnh thổ nước mình. Họ đã sắp xếp lại cấu trúc địa chất nước ta theo những phương pháp hiện đại, trên cơ sở các tài liệu thực tế phong phú và chính xác mà họ thu thập được và phát hiện nhiều nguồn tài nguyên hoàn toàn mới mẻ. Công sức của họ, trong đó có các nhà cổ sinh, đã được Nhà nước ta công nhận với việc cụm công trình Bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

Vậy còn hiện nay?

Hiện nay, tổ chức Địa chất quốc tế đề ra một Chương trình là "One Geology" (một nền Địa chất) để các nước đóng góp các kiến thức về địa chất ở lãnh thổ mình và cùng tìm hiểu cái mái nhà chung, là Trái đất này. Các nhà địa chất Việt Nam đã được mời và đang tích cực tham gia Chương trình này.

Tuy nhiên, khi chúng ta đi theo con đường kinh tế thị trường, có thể nói việc nghiên cứu cơ bản phải đương đầu với nhiều thách thức. Công việc nghiên cứu địa chất của chúng tôi hiện nay phải duy trì bằng việc mở các đề tài nghiên cứu. Cán bộ không vô tư đến tháng thì nhận lương mà sống như trước. Do đó, phải nói thật là lớp chúng tôi cũng có nhiều ưu tư khi thấy hàng ngũ thay thế mình ngày càng thưa thớt dần. Có thể những ưu tư đó thể hiện chúng tôi chưa hiểu hết được các quy luật của nền kinh tế thị trường.

Hậu phương vững mới xông pha được

Các con ông có ai theo nghề địa chất không?

Hai con tôi đều tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất. Thằng lớn chuyên về Viễn thám, tức là sử dụng các ảnh vệ tinh để luận giải các vấn đề địa chất, địa lý trên bề mặt Trái đất. Thằng thứ hai chuyên về hóa thạch bào tử phấn hoa ở Viện Dầu khí, nay chuyển sang một Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí. Chúng đều đứng vững trên đôi chân của chúng.

Ông phải đi thực địa suốt như thế có ảnh hưởng đến gia đình không?

Tôi rất may là có một người bạn đời hết sức thông cảm với cuộc sống địa chất của tôi, luôn tạo điều kiện tốt cho tôi làm việc. Con cái, việc nhà bà ấy lo hết. Mỗi năm tôi phải mất 3, 4 tháng đi khảo sát thực địa.

Năm 1970, đang trong thời chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, tôi và anh bạn Lê Hữu Tựu, mỗi người một xe đạp, đi từ chỗ cơ quan sơ tán ở Thái Nguyên về Hà Nội, xong lên Hòa Bình, Mộc Châu, Yên Châu rồi ra tận Sông Mã giáp biên giới Việt - Lào để khảo sát.

Có lần đi 3, 4 tháng sang Lào khảo sát giúp nước bạn. Bà ấy vẫn vui vẻ để tôi đi. Như vậy, cái hậu phương của tôi cũng vững đấy chứ! Có thế thì mới xông pha được nơi tiền tuyến, phải không chị?

Ông là một người sung sướng?

Tôi hiện đang sống theo phương châm của Hội Người cao tuổi: "Sống vui, sống khoẻ, sống có ích". Một tuần tôi vẫn đến làm việc ở Tạp chí Địa chất 3 ngày.

Năm 2009, công trình "Địa chất và tài nguyên Việt Nam" dày 586 trang mà một anh bạn và tôi làm đồng chủ biên cùng với 34 bạn khác, phần lớn đã về hưu, đã được xuất bản và cuối năm 2010 cuốn sách này đã được Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng Giải vàng Sách hay.

Tôi luôn cảm thấy hài lòng với công việc và cuộc sống của mình. Làm việc hết mình, vui vẻ chan hòa, vứt bỏ hết các bức xúc, đó là điều tôi tâm đắc nhất trong cuộc sống của mình hiện nay.

GS.TSKH Đặng Vũ Khúc sinh 1931. Ông nguyên là viện trưởng Viện Thông tin tư liệu địa chất, giám đốc Bảo tàng Địa chất. Năm 1967, ông là chiến sĩ thi đua toàn quốc; Năm 2005 là một trong các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình Bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam.
Theo Bee.net
  • 3.280