Chiếc răng 4000 năm tuổi trả lời cho câu hỏi: Người cổ đại từng làm nghề gì?

  •  
  • 2.569

Việc xác định công việc của người đã khuất khi còn sống là việc không dễ trong ngành khảo cổ. Vậy mà chỉ cần một mẩu răng, mọi thứ đã được giải quyết.

Một trong những việc khó nhất khi nghiên cứu về xã hội loài người thời xưa, đó là làm thế nào để biết ai đã làm nghề gì. Văn hóa Ai Cập cổ đại thì dễ hơn một chút, vì trong mộ thường có các vật dụng hoặc những chữ viết tượng hình mô tả lại những việc làm của người đã khuất trong quá khứ.

Tuy nhiên, đó không phải là các bằng chứng quá chính xác. Nội dung của các bức tranh có thể được hình tượng hóa, còn các vật dụng có thể được đưa vào mà không vì mục đích gì. Thay vào đó, các bằng chứng từ xương hoặc răng mới là tuyệt đối.

Như trường hợp khảo cổ mới đây do các chuyên gia thực hiện tại Ai Cập. Họ có được hài cốt của một phụ nữ Ai Cập từ 4000 năm trước, và mẫu răng của người đã khuất cho biết khi còn sống bà đã làm gì.

Hình dáng các loại răng người cổ đại.
Hình dáng các loại răng người cổ đại.

Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Alberta (Canada) nhận thấy 16/24 chiếc răng của bà có những vết mòn dường như không thể chỉ gây ra do quá trình ăn uống. Điều này chứng tỏ người này đã dùng răng để làm việc khác.

Các phân tích sau đó chỉ ra rằng cô là một thợ thủ công - một ngành nghề được các chuyên gia nhận định là cực kỳ bất ngờ.

"Dựa trên các hình vẽ trong lăng mộ, các học giả xác định chỉ có 7 ngành nghề dành cho phụ nữ thời Ai Cập cổ" - trích trong báo cáo nghiên cứu.

"Đó là nữ tư tế - chịu trách nhiệm liên hệ với các vị thần (dành cho phụ nữ có địa vị cao); ca sĩ, nhạc công, vũ công (dành cho phụ nữ có tài năng); người khóc thuê; thợ dệt vải và bà đỡ".

Được biết, bộ hài cốt này được khai quật từ thập niên 1970 thuộc thành phố Mendes - nơi từng là thủ đô của Ai Cập cổ. Người này có thể sống trong giai đoạn năm 2181 - 2055 TCN, thọ khoảng 50 tuổi.

Qua quan sát, đây là một phụ nữ khá được trọng vọng thời đó, nếu so với các trường hợp khác. Thi hài của bà được đặt trong quan tài gỗ lót lau sậy, bên trong có các đồ an táng trịnh trọng - gương đồng, mỹ phẩm, và vàng lá.

Nhưng trong số 1070 mẫu răng thu thập trong khu vực này và trên 92 hài cốt, chỉ người này có những vết mòn kỳ lạ kia thôi.

Những vết mòn "lạ" trên răng của thi hài.
Những vết mòn "lạ" trên răng của thi hài.

Sử dụng kính hiển vi điện tử, các chuyên gia tìm hiểu kỹ hơn về những chiếc răng này. Các phân tích cho thấy 2 chiếc răng cửa đã bị mài mòn nghiêm trọng theo hình nêm. 14 chiếc răng khác cũng bị mòn phẳng, nhưng ở mức độ thấp hơn.

Theo các chuyên gia, vết mòn này phù hợp với nhiều các mẫu răng tại nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. Nó được gây ra khi các thợ thủ công tách vật liệu - như lau sậy - bằng cách sử dụng răng.

"Nhiều khả năng loại cây được tách ở đây là cây giấy cói Cyperus - một loại cói thủy sinh mọc nhiều tại khu vực này," - trích trong báo cáo. "Vỏ cây cói được dùng làm củi, làm hộp gỗ và giỏ đựng để vận chuyển vật dụng, hoặc để làm dép sandal, rèm cửa và thảm trải sàn."

Phần bên trong cói có thể được dùng làm giấy. Nếu thợ thủ công muốn tách vỏ cói ra bằng răng, nó sẽ để lại các vết mòn lớn vì cói có chứa silica phytoliths, có tác dụng đẩy nhanh quá trình mài mòn.

Bên cạnh đó, các dấu vết khác cho thấy người thợ thủ công này có chịu khó chăm sóc răng miệng mỗi ngày bằng cách đánh răng.

"Trên răng có các dấu hiệu mài mòn do chuyển động ngang, đến từ cùng một hoạt động mỗi ngày." 

Vết nứt trên răng người cổ đại.
Vết nứt trên răng người cổ đại.

Tuy nhiên, câu chuyện vệ sinh răng miệng của người Ai Cập cổ có vẻ cũng không mấy kỹ càng. Trên răng có các dấu hiệu sâu, mảng bám và cả dấu vết của bệnh nha chu (rụng răng).

Theo các chuyên gia kết luận, hóa ra chỉ một mảnh răng cũng có thể tiết lộ nhiều bí mật bất ngờ về người còn sống. Quả là một phát hiện lớn với ngành khảo cổ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bioarchaeology of Marginalized People.

Cập nhật: 16/04/2019 Theo helino
  • 2.569