Các đàn chim bồ câu bay lượn trên bầu trời ở các thành phố là cảnh tượng thường thấy tại hầu hết các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha phát hiện, những con chim bồ câu này có thể mang hai loại vi khuẩn gây bệnh và đe dọa đến sức khỏe con người.
Các nhà khoa học phát hiện, mặc dù những vi khuẩn này có thể nguy hại đối với sức khỏe con người, tuy nhiên dường như chúng lại không ảnh hưởng cho chim bồ câu.
Nghiên cứu cho thấy, chim bồ câu có thể trở thành “miền đất hứa” của vi khuẩn có hại.
Ông Fernando Esperon thuộc Trung tâm nghiên cứu y tế động vật Madrid, phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết, động vật là "kho tàng trữ" vi khuẩn nguy hiểm có thể gây bệnh cho con người khi tiếp xúc. Những con chim bồ câu có thể gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng.
Trong quá trình nghiên cứu đối với 118 con chim bồ câu tại khu vực thành phố Madrid, các nhà khoa học đã phát hiện 52,6% số chim bồ câu mang vi khuẩn Chlamydophila psittaci, 69,1% mang vi khuẩn Campylobacter jejuni.
Khi con người nhiễm vi khuẩn Chlamydophila psittaci sẽ xuất hiện triệu chứng bệnh như cảm cúm, và dần dần có thể phát triển thành bệnh viêm phổi nguy hiểm. Trong khi đó, vi khuẩn Campylobacter jejuni là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh kiết lỵ cấp tính ở người./.