Những con chim sống quanh khu vực từng xảy ra vụ nổ hạt nhân Chernobyl có não bộ nhỏ hơn 5% so với những cá thể cùng loài cư ngụ ở những nơi không bị nhiễm phóng xạ.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế do tiến sĩ Timothy Mousseau thuộc trường Đại học South Carolina (Mỹ) đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu 550 cá thể của 48 loài chim khác nhau đang sống quanh khu vực từng xảy ra thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng lưới để bắt những con chim từ 8 khu cây xanh quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Kết quả, các nhà khoa học nhận thấy kích thước bộ não của những con chim sống ở khu vực Chernobyl nhỏ hơn 5% so với các cá thể cùng loài ở những khu vực không bị nhiễm phóng xạ. Bộ não nhỏ có thể làm giảm khả năng nhận thức.
Theo hãng thông tấn BBC, sự khác biệt trên được thấy rõ nét nhất ở những con chim dưới 1 năm tuổi. Nguyên nhân của hiện tượng này được các nhà khoa học giải thích là, có thể do sự ảnh hưởng của các chất phóng xạ từ sự cố Chernobyl.
Hàm lượng chất phóng xạ trong đất và không khí cao khiến các sinh vật chịu áp lực ôxy hóa cao. Điều này khiến chúng phải sử dụng các chất ôxy hóa trong cơ thể để bảo vệ sức khỏe. Việc phải tiếu tốn quá nhiều chất chống ôxy hóa khiến các sinh vật phải thu nhỏ một số cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não bộ.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một giả thuyết khác rằng, những loài chim ở khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl có não bộ nhỏ hơn bình thường là do chúng có ít thức ăn hơn. Mặc dù vậy, họ vẫn chưa tìm được bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết này.