Chim không tuân theo quy luật động học thông thường

  •  
  • 712

Tốc độ máy bay lâu nay vẫn bị hạn chế bởi các quy luật động lực học đơn giản, liên quan đến độ cao, sải cánh... Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy chim dường như đã phá vỡ các quy luật đó.

Tốt độ bay cực đại của các loài côn trùng nhỏ nhất và những chiếc máy bay lớn nhất lâu nay vẫn được các nhà khoa học xác định chủ yếu vào khối lượng cơ thể và vào độ lớn của cánh. Tuy nhiên, dường như thiên nhiên không đơn giản như thế.

Nhà sinh thái học động vật Thomas Alerstam tại Đại học Lund ở Thuỵ Điển và cộng sự, đã thu thập dữ liệu radar về tốc độ bay của 138 loài chim, từ những con chim hót nặng chưa đầy lạng tới những con thiên nga nặng đến cả chục ký.

Con người còn chưa hiểu hết cơ chế bay của các loài chim, nên chưa thể chế tạo "chim sắt" tốt hơn chúng. (Ảnh: Airlords.com)

Nghiên cứu tìm thấy khác biệt về tốc độ giữa các loài chim lớn và nhỏ không nhiều đến mức như các quy luật động lực học đã chỉ ra. Họ cho rằng tiến hoá đã buộc các con chim lựa chọn loại tốc độ phù hợp nhất với lối sống của chúng. Chẳng hạn, những con chim lớn có thể bay chậm hơn dự đoán của con người bởi bay nhanh có thể làm tăng bất tiện, "đặc biệt là trong quá trình cất cánh, chao lượn và hạ cánh", Alerstam giải thích.

Các loài chim có họ với nhau thường có tốc độ bay tương đương, bất kể cân nặng hay kích cỡ cánh, ủng hộ quan điểm cho rằng tiến hoá ảnh hưởng đến tốc độ bay. Chẳng hạn, những loài chim săn mồi thường bay chậm hơn dự đoán, trong khi những con chim hót lại bay nhanh hơn chúng ta tưởng.

Các nhà khoa học phỏng đoán, hình dáng của cánh và cách vỗ cánh có thể đóng vai trò quan trọng hơn là kích cỡ và cân nặng.

T. An

Theo LiveScience, Vnexpress
  • 712