Chim trời - nỗi kinh hoàng của "chim sắt"

  •  
  • 2.701

Một con hải âu nặng vài lạng, còn chiếc máy bay nặng đến hàng chục tấn. Nhưng khi va chạm, máy bay ít có cơ hội thoát nạn. Tại sân bay Nội Bài của Việt Nam, từ 1955 đến 1999 đã có 14 vụ đụng độ.

Theo thống kê của Cơ quan Quản lý hàng không Mỹ, những vụ va chạm với chim mỗi năm cướp đi số tiền trên 1 tỷ USD của các hãng hàng không trên thế giới.

Đối thủ không đội trời chung

Từ 100 năm trước, hai nhân vật nổi tiếng của ngành hàng không thế giới là Wibur và Orville Wright đã nhận ra rằng bầu trời không rộng như mọi người vẫn tưởng. Lý do là họ đã va chạm với những con chim trên trời. Và họ trở thành những người đầu tiên khởi xướng “cuộc chiến” với chim muông.

Song, nạn nhân tử vong đầu tiên trong cuộc đối đầu tình cờ loại này lại là Cal Rodgers - phi công người Mỹ lừng danh với chuyến bay tiên phong vượt qua lãnh thổ nước Mỹ. Trong chuyến bay thử nghiệm trên tác phẩm đầu tay của Wright - chiếc Model B - Cal Rodgers cùng với con chim sắt mới ra lò đã tan tành mây khói bởi thiết bị điều khiển vướng phải chim hải âu.

Máy bay khổng lồ e ngại trước các sinh vật bé nhỏ.
(Ảnh: SK&ĐS)

Ngày 4/10/1960, chiếc máy bay tua bin phản lực chở khách của Mỹ sau khi cất cánh từ Boston không lâu thì đột nhiên 3 trong số 4 động cơ của nó bị hỏng, phi cơ mất thăng bằng, đâm đầu xuống một hồ nước gần sân bay, 62 người tử nạn. Tai nạn thảm khốc này bắt đầu từ một đàn chim sáo. Thì ra, chúng đã va vào máy bay và vài con trong số chúng bị lọt vào cửa hút của các động cơ tua bin.

Đó là sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử máy bay bị rơi do chim gây ra. Theo thống kê của Mỹ, từ năm 1965 đến nay, có trên 350 vụ “va chạm vào chim có tính phá hoại”, khiến nhân viên trên máy bay bị thương hoặc máy bay bị hư hỏng.

Trên 3/4 các vụ tai nạn do va chạm với chim muông xảy ra trong khu vực gần sân bay. Những cánh đồng mênh mông có hàng rào ngăn cách đặc thù với sân bay là địa điểm hấp dẫn đối với chúng. Nơi đây, tiếng gầm rú của động cơ máy bay và các thiết bị kỹ thuật cản trở chúng không đáng kể. Tồi tệ hơn nếu sân bay nằm gần hồ nước lớn hoặc bãi tập kết rác thải.

Các số liệu thống kê cho thấy, việc máy bay va chạm vào chim gây thiệt hại xảy ra nhiều nhất ở châu Á, rồi đến châu Mỹ, ít nhất là ở châu Âu. Riêng tại sân bay Nội Bài của Việt Nam, từ năm 1955 đến 1999 đã có 14 vụ máy bay va đập vào chim. Sân bay Tân Sơn Nhất cũng nhiều lần phải đón các chuyến bay hạ cánh khẩn cấp do sự cố loại này.

Nhận diện "kẻ phá hoại"

Các vụ đụng độ chim trời - “chim sắt” đều diễn ra ở độ cao dưới 900m, đặc biệt dưới 600m là khoảng không nhiều nguy hiểm nhất. Điều này có nghĩa là vấn đề chủ yếu xảy ra khi máy bay cất và hạ cánh. Ước tính, một con chim nặng 500g nếu va vào chiếc Boeing 747 đang bay với tốc độ siêu âm thì lực va chạm có thể lên tới 5 tấn.

Kết quả phân tích 40.000 trường hợp mô tả trong các số liệu thống kê của Tổ chức Quản lý an toàn bay Liên bang Mỹ cho thấy: 56% các vụ va chạm gây nguy hiểm cho máy bay là tác phẩm của “chim muông lạ”, chỉ có 4% trường hợp phi hành đoàn nhận dạng được rõ ràng thủ phạm nhờ thông tin do tổ chức bảo đảm an toàn bay trang bị.

Làm thế nào để nhận dạng được “đối thủ”? Điều này là vô cùng quan trọng trong nỗ lực ngăn ngừa tai nạn tiếp theo bởi mỗi loài chim có thói quen phản ứng riêng khi gặp máy bay, lúc sắp hạ cánh hoặc cất cánh. Nếu nhận biết được đối thủ, các phi công sẽ có những đối pháp thích hợp khi bất ngờ gặp chúng. Để cải thiện tình hình, nhiều hãng hàng không đã tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng nhận biết chim muông thông qua đặc tính của chúng. Giới chuyên gia cũng huy động những phương pháp nghiên cứu hiện đại, thí dụ như phân tích ADN, để phục vụ công tác huấn luyện.

Cuộc chiến chống chim trời

Một trong những biện pháp kinh điển là sử dụng thợ săn chuyên nghiệp để tiêu diệt và xua đuổi chim muông tại khu vực sân bay. Thế nhưng giải pháp này thường không mang lại kết quả vì chúng đã chai lỳ với tiếng gầm rú của động cơ máy bay. Ngoài ra, súng đạn chỉ có thể xua đuổi trong chốc lát, không hiếm trường hợp còn dẫn đến sự tăng viện của những đàn chim mới để “lấp vào chỗ trống”. Đội quân này còn trở nên nguy hiểm hơn vì chưa quen với máy bay, chúng hoảng hốt bay tứ tung mỗi lần máy bay cất cánh hay hạ cánh, làm gia tăng đáng kể mối nguy hiểm.

Người ta cũng từng áp dụng âm thanh làm vũ khí hù dọa chim muông. Các chuyên gia đã tạo ra những cuốn băng làm giả tiếng kêu sợ hãi hoặc hoảng hốt của chim lúc bị thương. Vũ khí đặc biệt này được phát lên qua tiếng loa phóng thanh trong những trường hợp cần thiết. Khi mới triển khai, nó tỏ ra có hiệu quả. Song chỉ qua vài ba tuần, tất cả đều trở nên vô hiệu vì đối thủ đã “giải mã” được những âm thanh kia và nhận biết đó chỉ là “của giả”.

Các nhà sáng chế và sản xuất thiết bị cũng không ngần ngại sử dụng cả giải pháp có nguồn gốc từ kịch bản “Chiến tranh giữa các vì sao”. Mạng lưới laser đã được thiết lập dùng để quét đường băng một sân bay ở Pháp. Thoạt đầu, laser được lập trình để chiếu sáng những ngóc ngách đặc biệt thích thú của chim muông, sau đó laser tự thực hiện nhiệm vụ lùng sục. Mỗi khi phát hiện ra đối thủ, nó tự ngắt - mở liên tục, khiến cho đàn chim hoảng loạn và phải cuốn gói khỏi địa bàn. Đó là một giải pháp tuyệt vời song không phải sân bay nào cũng có điều kiện để trang bị.

Gần đây, tại một số sân bay, người ta lại quay về với một biện pháp truyền thống: sử dụng chim ưng làm lính cảnh vệ. Trên các sân bay khổng lồ như J.F. Kennedy ở New York hay Okengcie ở Vacsava giờ đây không thể thiếu bóng những cảnh vệ chim ưng thường xuyên bay lượn.

Theo Sức khoẻ và Đời sống, Vnexpress
  • 2.701