"Chó cậy gần nhà", nai cậy gần... đường

  •  
  • 457

Càng ngày, những con nai sừng tấm Bắc Mỹ có thai càng sống gần đường hơn, nơi có người đi qua. Vì sao vậy? Một nghiên cứu thú vị cho thấy chúng làm thế để sinh nở cách xa những con gấu đói.

Joel Berger từ Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên Mỹ cho biết nhóm của ông tìm thấy nai sừng tấm đã "ngộ" ra rằng những con đường mang lại khoảng không gian tương đối an toàn cho những đứa con mới đẻ của chúng, và rằng những khu bảo tồn đã làm thay đổi hành vi của động vật theo các cách mà con người không ngờ tới.

Những con nai cái có mang càng sống gần đường hơn.

Những con nai cái có mang càng sống gần đường hơn. (Ảnh: smithsmith)

Trong 10 năm, từ 1995, Berger và cộng sự đã theo dấu những con nai cái trong và xung quanh công viên quốc gia Grand Teton ở tây bắc Wyoming, Mỹ. Mỗi năm, họ lại cài thiết bị truyền tín hiệu radio lên 18-25 con nai cái, và khoảng 3/4 trong số chúng thường có thai. Họ cũng theo dõi hành vi của chúng bằng cách theo dấu trên mặt đất.

Nhiều năm trôi qua, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy một xu hướng kỳ lạ: "Những con nai có bầu sinh con ngày càng gần đường hơn", điều mà họ không hề trông đợi. Berger tin rằng xu hướng này phản ánh sự hồi sinh của loài gấu xám Bắc Mỹ ở Công viên quốc gia Yellowstone, cách đó vài kilomét về phía bắc.

Các nghiên cứu tại Alaska cho thấy gấu xám là thủ phạm chính của 90% ca tử vong của nai con, và những con nai mẹ thường tránh xa khu vực có gấu khi sinh nở, đặc biệt nếu nó đã từng mất con. Điều quan trọng là gấu thường không dám đến gần các con đường, trung bình ở cách đó ít nhất 500 mét.

Ở những nơi mà gấu có mặt thường xuyên, nai mẹ đã đến gần đường hơn, trung bình là 122 mét mỗi năm, thậm chí có con còn sinh ở cách đường cái chỉ 50 mét.

Tuy nhiên, Berger cho rằng "vùng đệm an toàn" này sẽ không kéo dài lâu, vì "nếu bạn là một con gấu đói, cớ gì bạn lại không đến kiếm ăn ven đường chứ?"

T. An

Theo NewScientist, Vnexpress
  • 457