Ông Charles Denson đang ủ rũ trong căn phòng dưỡng bệnh bỗng rạng ngời khi thấy chú chó cưng tên là Bart tới thăm. Bệnh nhân suy tim 51 tuổi này cảm thấy thư giãn mỗi lần được vuốt ve bộ lông mềm của Bart.
Tại hội nghị của Hiệp hội tim mạch Mỹ mới đây, nhà nghiên cứu Kathie Cole thuộc Trung tâm y tế, Đại học California Los Angeles đã công bố một nghiên cứu về tính hiệu quả của liệu pháp "chó cưng" trong điều trị suy tim. Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên hoàn toàn dựa trên bằng chứng khoa học để ghi nhận tác dụng giảm sự lo lắng, stress và áp lực tim, phổi ở người bệnh.
Cole và cộng sự đã tìm hiểu 76 bệnh nhân suy tim có độ tuổi trung bình là 57, được một người tình nguyện cùng với một con chó tới thăm, hoặc chỉ có người tình nguyện hoặc không có ai thăm hỏi. Nhóm xác định tỉ mỉ các phản ứng cơ thể của người bệnh trước, trong và sau mỗi chuyến viếng thăm.
Quan sát cho thấy, mức độ lo lắng giảm 24% ở những người có một người tới thăm dẫn theo một con chó, giảm 10% ở những người chỉ có người tới thăm. Mức âu lo không thay đổi ở nhóm không nhận được cuộc thăm hỏi nào.
Lượng epinephrine, một hoóc môn mà cơ thể tiết ra khi bị stress, giảm 17% ở những bệnh nhân có một người và một con chó tới, giảm 2% ở nhóm có một người tới. Nội tiết tố này tăng lên 7% ở nhóm "cô đơn".
Áp lực tim giảm 10% khi bệnh nhân có một người tới thăm cùng với một chú cún. Áp lực này tăng 3% khi chỉ có người tới thăm và 5% ở nhóm không ai thăm hỏi. Áp lực phổi cũng giảm 5% ở nhóm có chó và người tới, song lại tăng lên ở hai nhóm còn lại.
"Khi nhìn thấy một chú chó cưng, lúc đầu bạn sẽ mỉm cười và sau đó mọi lo âu dường như tan biến" Cole nhận định. Tác giả hy vọng rằng nghiên cứu là bằng chứng đáng tin cậy cho thấy vai trò quan trọng của liệu pháp "vật cưng" trong điều trị bệnh tim
Mỹ Linh (theo AP)