Quan niệm về việc đi toilet của người xưa thực sự khá sốc, nhưng cũng kèm với các sáng kiến hay ho để giải quyết nhu cầu tế nhị này.
Quan phòng thực ra là một loại chậu dùng để đựng chất thải tế nhị của vua và hậu cung, mà nếu gọi hơi thô thì chính là... cái bô xí.
Được biết, quan phòng không chỉ là sản phẩm hư cấu trên phim mà còn gắn với "người thật việc thật" ở hoàng cung ngày xưa. Thậm chí chuyện đi toilet hồi ấy... phức tạp và xa xỉ hơn bạn tưởng.
Hoàng cung Trung Quốc quan niệm rằng, "chất thải tế nhị" chính là một phiên bản khác của hạt gạo - thứ lương thực quý giá. Vì thế, ngay từ hồi ấy thì chủ đề đi vệ sinh đã rất bình thường, có thể đem ra thảo luận vì đó là nhu cầu tất yếu của con người. Nhưng dĩ nhiên, nó vẫn bị cho là thứ dơ bẩn.
Thời nhà Minh, nhà Thanh cho rằng việc đặt nhà xí cố định sẽ gây "mất mỹ quan" và bốc mùi ô uế.
Nhưng dù sao, "nỗi buồn" thì thời nào cũng có và phải được giải quyết! Đó chính là lúc quan phòng xuất hiện để giúp ích cho hệ tiêu hóa cũng như hệ bài tiết của bậc hoàng thân quý tộc.
Một vài "mẫu thiết kế" quan phòng ở hoàng cung ngày xưa.
Đến thời Từ Hi Thái hậu thì quan phòng đã rất được coi trọng, chế tác tinh xảo và lưu lại trong nhiều bản ghi ghép.
Theo mô tả, quan phòng của Thái hậu được làm từ gỗ đàn hương (gỗ màu vàng nhạt, mùi thơm ngát, được mệnh danh là "vàng xanh" vì có giá trị cao). Hình dáng của nó giống như một con thằn lằn lớn.
Bốn chân của thằn lằn chính là 4 cái đế. Miệng con vật há rộng để ngậm... cuộn giấy. Đuôi nó cuộn tròn tạo thành tay nắm. Đầu thằn lằn ngoái lại nhìn vị chủ tử đang "cưỡi" lên nó, hai mắt sáng trưng vì được chế tác từ hai viên hồng ngọc!
Những đồ vật dùng để trữ chất thải từ quan phòng.
Đặc biệt, bụng thằn lằn sẽ chứa lấy chất thải tế nhị, trong đó lại có lót vụn gỗ. Khi được sử dụng, "sản phẩm" sẽ bị vùi vào vụn gỗ, nhờ thế mà người dùng sẽ không nhìn thấy vật ô uế hay hít phải mùi hôi nào.
Mỗi lần Từ Hi Thái hậu cho truyền quan phòng là cánh cung nữ - thái giám lại được một phen... chơi trò chạy tiếp sức, ba môn phối hợp. Người thì truyền ý chỉ, người sắp xếp dụng cụ, kẻ thì kéo rèm, giúp Thái hậu cởi y phục, rửa tay... Tất cả đều nhanh - gọn - lẹ phù hợp với độ cần kíp của vấn đề!
Bên cạnh đó, chuyện trang bị giấy vệ sinh cũng kỳ công không kém. Cung nữ sẽ cắt một mảnh giấy lớn, sau đó dùng miệng phun một ít nước lên, mà phải phun nhẹ và đều như... trời phủ sương mù ấy.
Sau đó, giấy được ủi 2 lần bằng bàn ủi bằng đồng, vừa để sạch sẽ vừa tạo độ trơn mịn và êm ái, khiến cho Thái hậu vừa lòng đẹp ý.
Giấy vệ sinh trong hoàng cung ngày xưa. (Ảnh minh họa).
Sau khi Thái hậu hay các vị chủ tử khác đi toilet xong, thái giám lại đưa quan phòng ra khỏi cung với sự trân trọng nhất định, bưng cao bằng cả hai tay. Kế tiếp, chất thải tế nhị dù là của chủ tử hay của người hầu đều định kỳ đem ra khỏi hoàng cung mà tiêu hủy.
Về sau, khi vua Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa - rời khỏi Tử Cấm Thành thì cũng mang theo những chiếc quan phòng, nhờ vậy giúp nó phổ biến hơn với đại chúng.
Những chiếc "quan phòng" ấy hiện còn được lưu giữ tại một số bảo tàng hay bộ sưu tập cá nhân. Bạn có thể thấy buồn cười, có thể hơi ái ngại khi nhắc đến quan phòng, nhưng dù sao nó quả thật là một sáng kiến hay ho và hữu dụng, phải không?