Chuyện kỳ bí về người đàn ông biến thành xác sống, sống như thây ma trong gần 20 năm

  •   4,52
  • 5.403

Câu chuyện về người đàn ông sống 20 năm trong hình hài một xác sống cho tới nay vẫn là một bí ẩn đối với giới khoa học.

Năm 1980, Clairvius Narcisse xuất hiện tại bệnh viện ở Deschapelle, Haiti gần 20 năm sau khi gia đình tự tay chôn cất ông tại nghĩa trang trong làng.

Sự trở về đột ngột của Narcisse khiến người thân của ông không khỏi sốc. Tới lúc này, họ mới tiết lộ rằng không lâu sau khi Narcisse được chôn cất, ngôi mộ của ông bị đào xới. Nhưng không ai biết "thi thể" của Narcisse đã bị phù thủy trong làng đánh cắp và biến thành một xác sống, theo Epoch Times.

Nhà thực vật học, dân tộc học và nhân loại học Wade Davis đã đưa ra những lý giải về trường hợp gây nhiều tranh cãi này trong một cuộc phỏng vấn với đài CBC của Canada năm 1986.

Ông Clairvius Narcisse trở về nhà sau gần 20 năm sống kiếp xác sống.
Ông Clairvius Narcisse trở về nhà sau gần 20 năm sống kiếp xác sống.

Theo ông Wade, sự xuất hiện và biến mất của Narcisse có liên quan tới tetrodotoxin, một loại độc tố thần kinh mạnh gấp 160.000 lần so với cocaine. Chất này sẽ tạo ra trạng thái hôn mê mà đôi khi bị nhầm lẫn là đã chết.

Wade cho rằng một thầy phù thủy trong vùng bằng cách nào đó đã hạ độc tetrodotoxin lên người Narcisse khiến mọi người cho rằng ông đã chết. Tới khi chôn, người này sẽ đánh cắp thi thể và sử dụng một loại chất gây ảo giác khác là Datura stramoniumk hay còn gọi là cỏ dại Jimson khiến Narcisse từ một người đang hôn mê biến thành một xác sống, mất đi ý thức và hành động theo chỉ thị của người hạ độc.

Thầy phù thủy được cho là đã sử dụng cách này để giữ Narcisse làm việc trong đồn điền trồng mía ở Haiti trong nhiều năm. Chỉ đến khi người này qua đời, Narcisse mới được giải thoát, trở về quê nhà với câu chuyện nghe có vẻ như hết sức hoang đường của mình.

Năm 1980, một số nhà khoa học tuyên bố đây là trường hợp xác sống đầu tiên được ghi nhận dù họ chưa thể đưa ra những luận cứ thuyết phục để chứng minh. Vài năm sau, ông Wade được gửi tới Haiti để nghiên cứu về các chất thảo dược được cho là có thể sản sinh ra xác sống.

Wade từng nói rằng bản thân chưa bao giờ tin xác sống tồn tại nhưng đã phải thay đổi suy nghĩ khi nghiên cứu tetrodotoxin và văn hóa Haiti.

"Niềm tin vào zombie trong văn hóa Haiti là chìa khóa của vấn đề. Một phần tác dụng của tetrodotoxin cũng xuất phát từ niềm tin này", Davis nói dù thừa nhận đây là một vấn đề rất khó lý giải.

Ông Narcisse bên ngôi mộ của chính mình.
Ông Narcisse bên ngôi mộ của chính mình. (Ảnh: Getty Images).

Tetrodotoxin trên thực tế là loại độc tố có bên trong cá nóc và từng gây ra nhiều trường hợp chết người ở Nhật Bản. Các đầu bếp phải rất cẩn thận để xử lý cá nóc để loại bỏ độc tố này nhưng vẫn không tránh khỏi những trường hợp đáng tiếc.

"Các nạn nhân ở Nhật Bản không trở thành xác sống dù họ chết vì chất độc này", Wade nói.

Lý do mà Wade đưa ra là dưới tác động của chất gây ảo giác, suy nghĩ và niềm tin của một người sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của anh ta.

"Một số người Haiti tin vào xác sống nên họ dễ bị rơi vào tình trạng đó nếu dùng thuốc trong khi người Nhật không như vậy vì họ không có đức tin về hiện tượng này", nhà khoa học tới từ Canada cho hay.

Mặc dù vậy, rất nhiều người không đồng tình với Wade và gạt bỏ nghiên cứu của ông vì cho rằng nó phi khoa học. Nhưng một số khác, trong đó nhà sử gia người Mỹ gốc Phi Robert Farris Thompson lại ủng hộ những phân tích này.

"Tôi chưa bao giờ được soi đường chỉ lối khi tìm hiểu về "xác sống" một cách nghiêm túc hay nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội. Nếu không có Wade Davis, tôi đã không rút ra được những nghiên cứu trong cuốn sách này", Thompson nói trong lời giới thiệu của “Con đường bóng tối” được ông chắp bút.

Cập nhật: 27/07/2018 Theo VTC
  • 4,52
  • 5.403