Chuyện thuốc phiên bản ở Thái Lan

  •  
  • 258

Thuốc phiên bản chống AIDS ở Thái Lan làm virus HIV kháng thuốc”. Mẩu quảng cáo trắng đen mang tính cảnh báo, in nguyên trang trên nhật báo The Nation của Thái Lan hôm 13-5 làm 600.000 bệnh nhân AIDS của nước này nơm nớp lo sợ.

Nếu năm ngoái họ lạc quan bao nhiêu khi hay tin chính phủ trợ cấp thuốc chữa AIDS thì thông tin trên nhật báo lớn nhất nhì đất nước lại làm niềm hi vọng của họ lung lay bấy nhiêu.

Thuốc phiên bản - loại thuốc được sản xuất theo công thức của các hãng dược quốc tế - thì rẻ đấy, nhưng quảng cáo ghi “Tỉ lệ kháng thuốc ở Thái Lan cao nhất thế giới” thì khác gì nói càng uống thứ thuốc đó, càng hết thuốc chữa? Kèm theo là kết quả nghiên cứu của ĐH Mahidol cho biết thuốc phiên bản GPO-Vir làm tỉ lệ kháng thuốc tăng từ 39% lên 58%.

Có điều, dẫn chứng trên lại làm các nhà hoạt động phòng chống AIDS, các tổ chức y tế nhân đạo quốc tế giận dữ. Công ty Dược phẩm chính phủ (GPO), đơn vị sản xuất loại thuốc phiên bản GPO-Vir ở Thái Lan, gạt phắt lập luận của tờ quảng cáo. “Nếu có tỉ lệ kháng thuốc cao như vậy thì tại sao số người chết vì AIDS lại giảm?” - giám đốc Wanchai Suppajaturas của GPO phản ứng.

Đằng sau những tranh luận trên chính là một cuộc chiến âm ỉ chưa có hồi kết. Tháng 11-2006, chính phủ mới của Thái Lan cho phép Công ty GPO sản xuất và lưu hành thuốc phiên bản trị AIDS đến năm 2011.

Trước Thái Lan đã có Zambia và Indonesia phớt lờ bằng bào chế thuốc của các hãng dược quốc tế bằng cách áp dụng qui định về sản phẩm “dùng cho cộng đồng trong trường hợp khẩn cấp” của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, Thái Lan là nước đầu tiên dựa vào qui định này để bật đèn xanh cho việc vượt rào lâu đến vậy và còn cho phép trong nước nhập khẩu các loại thuốc phiên bản trị AIDS từ Ấn Độ.

Các sinh viên y khoa Mỹ biểu tình chống Hãng dược Abbott tại Chicago ngày 27-4. Họ căng biểu ngữ "Hãy chặn đứng lòng tham của Abbott", "Abbott đừng chơi trò chính trị với mạng sống người Thái" (Ảnh: AP, TTO)

Dĩ nhiên là các hãng dược quốc tế phản đối kịch liệt khi sản phẩm dày công nghiên cứu bị... xài chùa. “Đó là toa thuốc mà Chính phủ Thái đã kê sai” - Tổ chức USA For Innovation, đơn vị đứng sau vụ quảng cáo trên The Nation, ví von.

Không chỉ cho đăng quảng cáo trên các tờ báo lớn, tổ chức phi chính phủ này còn gửi thư đến Quốc hội Mỹ kêu gọi Mỹ “thẳng tay” với Thái Lan và Brazil vì nước này tuần rồi cũng manh nha theo chân Thái Lan. USA For Innovation còn lập trang web www.thailies.com với sứ mệnh “thu hút dư luận về chuyện Thái Lan lừa dối để đánh cắp phát minh của Mỹ và châu Âu”.

Phe ủng hộ thuốc phiên bản cũng lập tức phản bác. Bác sĩ David Wilson, đại diện của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới tại Thái Lan - đơn vị bảo trợ cho GPO, cho rằng đó hoàn toàn là những lời dối trá nhằm khiến bệnh nhân mất tin tưởng vào thuốc phiên bản. “Hãy nhìn vào thông điệp đằng sau, ai là người được lợi?”, ông Nimitr Tien-udom, giám đốc Tổ chức Tiếp cận AIDS, nêu ý kiến.

Tìm hiểu ra thì thấy giám đốc của Tổ chức USA For InnovationKenneth Adelman, cũng là một nhà tư vấn cấp cao của Edelman Public Relations Worldwide (EPRW). Và một trong những khách hàng lớn nhất của EPRW là Hãng dược Abbott mà năm ngoái bị Chính phủ Thái phớt lờ bằng sáng chế loại thuốc chữa AIDS là Kaletra.

Chuyện đến đây thì chẳng có gì khó hiểu qua những trang quảng cáo “ấn tượng” nói trên.

MINH HUY

Theo The Nation, FT, Reuters, Tuổi trẻ
  • 258