Có gì trong những cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci?

  •  
  • 653

Chứa đầy hình phác thảo phức tạp và ghi chú chi tiết, sổ tay của Leonardo hé lộ niềm đam mê và tư duy đi trước thời đại hàng trăm năm của ông.


Video: Newsthink

Leonardo da Vinci có thể được nhớ tới nhiều nhất như một họa sĩ với bức họa Mona Lisa và bích họa "Bữa tối cuối cùng" nằm trong số những kiệt tác nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng tính theo con số, hội họa có thể là đóng góp ít nổi bật nhất của ông cho thế giới. Leonardo chỉ có 22 bức tranh được trưng bày trên khắp thế giới và vài trăm tranh vẽ cá nhân khác. Thay vào đó, vĩ nhân sống ở thời kỳ huy hoàng của Italy dưới thời Phục Hưng vào cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16, xuất chúng ở nhiều lĩnh vực, từ kiến trúc tới khoa học, toán học, kỹ thuật.

Những cuốn sổ tay của ông chứa đầy quan sát khoa học, suy luận và giả thuyết, phần lớn trong số đó sẽ được chứng minh bởi các nhà nghiên cứu độc lập trong nhiều thế kỷ sau này. Ông phác thảo thiết kế của vô số loại động cơ và máy móc, rất nhiều loại đã trở thành hiện thực trên thế giới. Một số cuốn sổ tay của thiên tài người Italy thể hiện tầm nhìn, khả năng quan sát và phát hiện vượt thời đại.

Toán học

Bị ám ảnh bởi hình học, Leonardo thực hiện nhiều phép đo trong tự nhiên, tìm kiếm mối liên hệ và mô hình, sau đó diễn đạt thông qua toán học. Ông đặc biệt hứng thú với tỷ lệ cơ thể người. Dựa trên công trình của kiến trúc sư người La Mã Vitruvius, hình vẽ "Người Vitruvius" bằng bút mực của Leonardo vào năm 1487 mô tả một người đàn ông ở hai tư thế chồng lên nhau với cánh tay và chân duỗi thẳng bên trong vòng tròn và hình vuông, khám phá hình học của tỷ lệ hoàn hảo.


Hình vẽ Người Vitruvius của Leonardo da Vinci. Ảnh: Wordpress

Leonardo tóm tắt tỷ lệ tương ứng của mỗi phần cơ thể với bộ phận khác trong ghi chép phía dưới hình vẽ. Hình vẽ cũng thể hiện niềm tin của ông rằng con người là đại diện thu nhỏ của toàn thể vũ trụ. Leonardo cũng quan tâm tới tỷ lệ vàng, một tỷ lệ toán học tạo ra sự hài hòa về mặt thẩm mỹ. Được định nghĩa bởi chiều dài so với chiều rộng và bằng 1/1,618 (1,618 còn gọi là số Phi), đây là "tỷ lệ thần thánh". Ví dụ, trong bức tranh "Thánh Jerome" chưa hoàn thành của ông, hình dáng của vị linh mục được khắc họa chính xác theo tỷ lệ vàng. Leonardo còn ứng dụng tỷ lệ vàng khi vẽ chân dung của những người phụ nữ trẻ tuổi, bao gồm "Mona Lisa".

Leonardo cũng thích vẽ những người xấu xí. Ông bị ám ảnh bởi sự tương phản, đặt cái xấu bên cạnh để tôn lên vẻ đẹp. Ông luôn có sẵn một cuốn sổ tay phác thảo nhiều gương mặt trong đám đông. Vào những năm cuối 1480 - đầu 1490, Leonardo tạo ra nhiều tranh vẽ xấu xí, kỳ quái, độc lạ của đàn ông, phụ nữ và động vật. Một số hình ảnh có thể tranh biếm họa vẽ người dân địa phương, số khác là tranh vui nhộn. Đó là bằng chứng về khả năng quan sát và hiểu thấu tâm lý của Leonardo.

Kiến trúc

Hình vẽ và kế hoạch xây các tòa nhà phủ kín sổ tay của Leonardo. Ông bị lôi cuốn bởi vấn đề thẩm mỹ kiến trúc cũng như âm vang ở nhà thờ. Ông quyết tâm phát hiện cách kết hợp cấu trúc cho phép giọng nói của cha xứ truyền tới góc xa nhất trong nhà thờ. Leonard nghĩ ra teatro da predicare, giảng đường có hình nhà hát vòng tròn. Ông chính thức được chỉ định làm kiến trúc sư, họa sĩ và kỹ sư cho vua Francis I của Pháp năm 1515. Leonardo từng thiết kế những pháo đài quân sự đáp ứng tăng cường sử dụng pháo, tạo ra các bức tường dốc với phần chân rộng hơn để ngăn tường thành suy yếu do bị oanh tạc liên tục.


Hình dáng cây cầu do Leonardo da Vinci thiết kế cho vua Bayezid II. (Ảnh: TRT)

Năm 1502, vua Bayezid II của đế chế Ottoman đặt Leonardo thiết kế một cây cầu và Leonardo đã gửi bản vẽ. Cây cầu sẽ có nhịp dài gần 275 m, bắc qua vịnh Sừng Vàng ở Istanbul với vòm đủ cao để tàu bè đi qua bên dưới. Cho rằng cây cầu của Leonardo không khả thi về mặt kỹ thuật, vua Bayezid II không lựa chọn thiết kế, nhưng các kiến trúc sư hiện đại đã chứng minh quyết định sai lầm của vị vua khi sử dụng thiết kế của Leonardo để xây dựng cây cầu bắc qua một đường cao tốc ở Na Uy năm 2001.

Tự nhiên

Vào đầu thập niên 1490, Leonardo hai lần đi về phương bắc tới dãy Alps ở Italy. Tại đó, ông ghi nhanh những quan sát và vẽ phác thảo. Ông mô tả và ghi chép cẩn thận về thực vật, động vật, nhất là chim chóc. Những chuyến đi này dẫn tới sự ra đời của vài bức vẽ giông bão đáng chú ý, minh họa chính xác hướng và độ mạnh của luồng khí đi xuống gọi là gió đứt.

Leonardo cũng kiểm tra hóa thạch và thành hệ đất. Ông rút ra một số suy đoán khoa học hiện đại đầu tiên về địa chất học và lịch sử tự nhiên. Hình vẽ vách núi của ông cho thấy rõ địa tầng từ nhiều kỷ địa chất khác nhau. Đặc biệt nhất là ông suy đoán Trái Đất có niên đại lâu đời hơn nhiều so với quan điểm thời đó.

Niềm hứng thú với tự nhiên của Leonardo chuyển dần thành nghiên cứu và quan sát cẩn thận vào cuối thế kỷ 15, khi ông sống ở Milan. Ông để ra một cuốn sổ chuyên về quang học hay hành vi của ánh sáng. Cả cuốn sổ được trình bày rất gọn gàng, kỹ lưỡng, hình vẽ tỉ mỉ, tích hợp cả kiến thức về hình học của ông, sánh ngang với những cuốn sách thí nghiệm hiện đại.

Phát minh


Thiết kế máy bay cánh chim của Leonardo da Vinci. (Ảnh: National Geographic)

Rất nhiều phát minh hiện đại lấy cảm hứng từ ý tưởng của Leonardo, bao gồm dù, máy mài gương, kéo, cầu di động, khóa mitre (dùng ở các kênh đào) và bộ truyền động lò xo (chủ yếu dùng trong đồ chơi). Ông có thể được công nhận nhiều nhất trong lĩnh vực bay, rất lâu trước khi cỗ máy bay được đầu tiên trở thành hiện thực. Thiên tài người Italy đã tạo ra hơn 500 bản phác thảo những cỗ máy bay và viết hơn 35.000 từ mô tả.

Giải phẫu

Leonardo ghi chép nghiên cứu về giải phẫu người qua hình vẽ và ghi chú đi kèm, hé lộ những chi tiết chưa bao giờ được mô tả trước đây, trong đó hai trường hợp đặc biệt đáng chú ý. Đầu tiên là một người đàn ông lớn tuổi mắc chứng xơ vữa động mạch và nghẽn động mạch. Đây là chẩn đoán bệnh tim hàng trăm năm trước khi các bác sĩ công nhận triệu chứng. Cùng thời gian đó, Leonardo tiến hành khám nghiệm một đứa trẻ và nhận thấy cùng loại mạch máu không bị nghẽn.

Trong hình vẽ của Leonardo, ông cũng tìm ra cách thể hiện các đặc điểm từ 8 góc, theo mặt cắt và nhiều hình vẽ cắt trích giúp bóc tách nhiều lớp cơ và mô, hé lộ từng tầng cấu trúc. Leonardo đặc biệt hứng thú với mắt người. Ông nghiên cứu cấu trúc đôi mắt, sự liên kết với các cơ quan nội tạng khác và hoạt động chính xác. Để hiểu rõ về mắt người, Leonardo phát triển kỹ thuật tiến hành mổ xẻ bằng cách nhúng mắt vào lòng trắng trứng và luộc chín để mẫu vật trở nên cứng cáp và dễ xử lý hơn. Bác bỏ quan điểm thịnh hành thời đó cho rằng mắt là cơ quan phát ra những tia vô hình, Leonardo cho rằng mắt là cơ quan tiếp nhận có thể "nhìn" thông qua ánh sáng phản xạ.

Cập nhật: 12/08/2022 VnExpress
  • 653