Ẩn dưới những con sóng của biển Tyrrhenian gần Tây Nam nước Ý là một quần thể núi lửa mới được phát hiện, rải rác có những ống khói địa nhiệt và những ngọn núi ngầm có đỉnh bằng.
Xét về mặt địa lý mà nói, quần thể này vẫn còn khá mới đối với cả khoa học và hành tinh; nó mới chỉ được hình thành trong khoảng 780.000 năm trước. Fabrizio Pepe, nhà khoa học đứng đầu nghiên cứu đồng thời là nhà địa vật lý đang làm việc tại Đại học Palermo, Ý cho hay: “Các nhà khoa học sẽ không ngạc nhiên khi tìm thấy quần thể núi lửa ở những khu vực có núi lửa hoạt động như Núi Vesuvius và Núi Etna. Nhưng quần thể mới này rất không bình thường vì nó được tạo ra theo một cấu trúc rất hiếm".
Pepe khẳng định “Đây là một khu vực rất phức tạp".
Khu phức hợp núi lửa được phát hiện nằm ngay dưới biển Tyrrhenian ngoài khơi bờ biển Ý.
Phía Tây Địa Trung Hải là khu vực liên tục xảy ra địa chấn do va chạm của ba mảng kiến tạo: Châu Phi, Á-Âu và Anatolian. Làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn là một mảnh nhỏ của lớp vỏ mảng kiến tạo Adriatic-Ionian đã phá vỡ mảng châu Phi hơn 65 triệu năm trước và hiện đang bị đẩy xuống dưới mảng Á-Âu lớn hơn trong quá trình có tên gọi hút chìm. Đỉnh Vesuvius là một trong những núi lửa được tạo ra tư quá trình hút chìm này.
Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện một loạt các vòng cung núi lửa dưới đáy biển được tạo ra từ tình trạng bất ổn kiến tạo này, bắt đầu từ gần bờ biển Sardinian với các vòng cung ngày càng trẻ hơn về phía nam và phía đông.
Các vòng cung này trông giống như một mũi tên chỉ thẳng ra ngoài khơi phía đông, chỉ dẫn cho Pepe và các cộng sự của ông tiếp tục tìm kiếm một vòng cung mới có niên đại trẻ hơn nữa ở vùng ngoài khơi biển Calabria – “ngón chân cái” của “đôi ủng” nước Ý – cách đó 15km.
Tại đó, dựa trên bản đồ đáy biển, dữ liệu địa chấn và các biến đổi từ tính, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một vùng dung nham, núi lửa và các ống khói thủy nhiệt rộng 2.000m2; các lỗ thông hơi dưới đáy biển cho phép các khoáng chất nóng phun ra và hình thành các cấu trúc giống như ống khói. Họ đặt tên cho khu vực mới này là Tổ hợp Núi lửa xâm thực Diamante-Enotrio-Ovidio, đặt theo tên ba núi ngầm đỉnh bằng ở vùng biển này.
Những nứt gãy chính là thứ cho phép magma nổi lên trên bề mặt khu tổ hợp Diamante-Enotrio-Ovidio, tạo ra dung nham và núi lửa dưới đáy biển. Những đỉnh núi lửa này hiện tại đang ở dạng cao nguyên do khi mực nước biển giảm xuống, chúng nhô ra ngoài đại dương và bị xói mòn thành hình dạng bằng phẳng như hiện tại.
Trong một báo cáo ngày 6/7 trên tạp chí Tectonics, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù tổ hợp núi lửa này không còn hoạt động nữa nhưng vẫn tồn tại những xâm nhập nhỏ của dòng dung nham ở một số phần của đáy biển.
Pepe cũng nói thêm: “Tuy nhiên, khu vực này có thể hoạt động trở lại trong tương lai và thực tế, hoạt động núi lửa vẫn đang tiếp diễn ở phần phía đông của biển Tyrrhenian”. Các nhà nghiên cứu vẫn đang làm việc để xây dựng bản đồ rủi ro núi lửa của khu tổ hợp để có thể dễ dàng nắm bắt được liệu nó có gây nguy hiểm về người và tài sản không. Họ cũng đang nghiên cứu khả năng khai thác khu tổ hợp để tạo ra năng lượng địa nhiệt.