Cơ hội mới cho nghề trồng nấm

  •  
  • 5.361

Nghề trồng nấm xuất hiện ở Bắc Giang gần hai chục năm trước nhưng do thiếu một chiến lược lâu dài, thiếu quy hoạch cụ thể nên nghề này vẫn tồn tại ở quy mô nhỏ lẻ và manh mún. Thực hiện Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, Bắc Giang đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất nấm giai đoạn 2007-2010. Với định hướng cụ thể và mức đầu tư thích hợp, đề án là động lực để nghề trồng nấm tồn tại và phát triển.

Trồng nấm: dễ mà khó

Vào năm 1994-1995, tại xã Đại Hoá (Tân Yên) đã hình thành nên những làng trồng nấm hoạt động rầm rộ nhất tỉnh lúc bấy giờ. Toàn xã có 8/15 thôn trồng nấm với hàng trăm hộ tham gia. Bao nhiêu rơm, rạ từ đồng ruộng đều được thu gom làm nguyên liệu trồng nấm. Vào vụ thu hoạch, nông dân trải những tấm bạt lớn phơi mọc nhĩ từ sân lên mái nhà. Giáp Tết, nấm, mọc nhĩ khô được đóng vào từng bao tải lớn đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn... Còn với nấm sò, nấm mỡ, thu hái đến đâu được bán tươi đến đó.

So với trồng rau và cấy lúa, trồng nấm có thu nhập cao hơn hẳn. Thế nhưng, chỉ được chừng 5 năm sôi động, số lán trại làm nấm ở Đại Hoá bị phá dần. Giờ đây, nhiều người chuyên trồng nấm trước kia đã chuyển sang nghề khác. Hiện chỉ còn hai hộ ở thôn Bờ Vàng vẫn kiên trì gắn bó với cây nấm.

(Ảnh minh họa: AnGiang)
Ông Thân Đức Sáng (thôn Bờ Vàng), người đi tiên phong trong nghề trồng nấm ở Tân Yên cho biết: Làm nấm không khó về kỹ thuật, chỉ cần áp dụng đúng quy trình được cơ quan chuyên môn hướng dẫn là có thể thành công. Nguyên liệu làm nấm sẵn có, không tốn nhiều nhân công lao động. Tuy nhiên, nghề này khó ở chỗ muốn làm giàu phải sản xuất với quy mô lớn, tìm được đầu mối tiêu thụ ổn định, trong khi không phải ai cũng đủ khả năng làm được việc này. Nếu sản xuất ở quy mô nhỏ, lợi nhuận thu được không đáng là bao nên nhiều người dễ nản lòng. Cũng như Đại Hoá, nhiều xã khác ở Lạng Giang, Yên Dũng, Hiệp Hoà... đã từng tiếp nhận cây nấm nhưng sau một thời gian ngắn đành bỏ cuộc.

Tìm hiểu được biết nghề trồng nấm mai một là do thiếu những điều kiện cần thiết để phát triển ổn định và lâu dài. Do chưa chủ động được nguồn giống nấm nông dân thường phải mua qua các đầu mối trung gian ở tỉnh khác nên giá đắt. Kỹ thuật trồng nấm chưa được phổ biến rộng rãi khiến không ít hộ thất bại. Hệ thống sơ chế, bảo quản nấm chưa được đầu tư đúng mức... Cũng vì những hạn chế này, đã bao năm qua, nghề trồng nấm trên địa bàn vẫn mang tính tự phát và manh mún.

Để nghề trồng nấm sinh sôi

Xác định Bắc Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm bởi nguồn lao động và nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, từ năm 2005, ngành Nông nghiệp đã chuẩn bị một kế hoạch dài hơi phát triển nghề trồng nấm. Việc đầu tư trang thiết bị cho cơ sở sản xuất giống nấm được xúc tiến với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng. Công tác chuyển giao kỹ thuật, mô hình liên kết sản xuất, thu mua nấm được xây dựng với mục đích thăm dò thị trường và tạo điểm để nhân rộng. Năm 2006, 6 xã trong huyện Yên Dũng được chọn xây dựng mô hình điểm trồng nấm mỡ và nấm rơm.

Kết quả cho thấy, một vụ nấm rơm kéo dài trong một tháng thu nhập bình quân 960 nghìn đồng /tấn nguyên liệu, trừ chi phí khấu hao nhà xưởng, vôi bột, giống nấm, nông dân thu lãi 650 nghìn đồng. Với nấm mỡ, thời gian một vụ kéo dài hơn 2 tháng, thu lãi khoảng 1, 4 triệu đồng/tấn nguyên liệu. Thành công ở mô hình điểm tại Yên Dũng cũng như các điều kiện cơ sở vật chất khác đã tạo tiền đề để năm 2007, UBND tỉnh triển khai Đề án phát triển sản xuất nấm giai đoạn 2007-2010. Tổng kinh phí hơn 43,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của nhân dân. Đây là đề án có quy mô, mức hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay về phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn.

Khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đề án nêu rõ vùng quy hoạch trồng nấm bao gồm các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên, Lục Nam, nơi có nhiều rơm rạ và các sản phẩm phụ khác từ nông nghiệp. Kinh phí hỗ trợ tập trung cho những mô hình sản xuất lớn. Các xã, chủ trang trại muốn tham gia đề án phải cam kết tổ chức sản xuất đủ lượng nguyên liệu theo quy mô đăng ký và nộp tiền đối ứng đầy đủ.

Trong quá trình sản xuất, các kỹ sư ở Trung tâm Giống nấm Bắc Giang (Sở Nông nghiệp và PTNT) trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân từ khâu xử lý nguyên liệu cho đến khi thu hoạch. Trung tâm cũng chịu trách nhiệm cung ứng giống và hỗ trợ tiêu thụ nấm thương phẩm. Riêng trong năm 2007, ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương trong vùng quy hoạch 1, 35 tỷ đồng xây dựng 30 lán trại, 2 cơ sở chế biến nấm đồng thời hỗ trợ giống nấm cho hơn 1.500 tấn nguyên liệu.

Thực hiện đề án này, thời gian qua, huyện Yên Dũng tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nấm ra 11 xã. Đến hết tháng Tám, nông dân trong huyện đã trồng hai vụ nấm rơm với hơn 300 tấn nguyên liệu. Những tháng cuối năm, toàn huyện tập trung sản xuất nấm mỡ với khối lượng nguyên liệu dự kiến 700-1.000 tấn.

Ông Hoàng Văn Dũng, thôn Tân Ninh, xã Tư Mại (Yên Dũng) cho biết: “Gia đình tôi có vườn rộng, rơm rạ nhiều, mấy năm trước tôi có ý định học nghề trồng nấm nhưng nghĩ cả thôn chỉ có mình làm thì không biết tiêu thụ ra sao, chẳng lẽ cứ đi bán lẻ ở chợ. Đến năm 2006, cả xã đã có 50 hộ trồng nấm, tiêu thụ tập trung ở một vài điểm nên rất thuận lợi. Bởi vậy, năm nay tôi đã dựng hai khu lán trại trồng nấm, mỗi đợt làm khoảng 2 tấn nguyên liệu. Đã hai vụ nấm thắng lợi nên tôi rất yên tâm".

Khác với trước, giờ đây, nông dân có thể dễ dàng mua được giống nấm bảo đảm chất lượng ngay trong tỉnh. Mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất nấm giúp bà con tiêu thụ nấm thuận lợi hơn. Cùng với Yên Dũng, các huyện khác như Lạng Giang, Lục Nam, Hiệp Hoà... cũng bắt đầu hình thành những vùng sản xuất nấm tập trung quy mô lớn. Với sự trợ lực từ Đề án phát triển sản xuất nấm giai đoạn 2007-2010, sự đổi mới trong phương thức tổ chức sản xuất, nghề trồng nấm đang đứng trước cơ hội phát triển.

Theo Báo Bắc Giang, Khoa học KT nông nghiệp
  • 5.361