Cỗ máy đúc dải phân cách kiểu "mỳ ăn liền" giúp thi công thần tốc tuyến cao tốc 11.808 tỷ đồng ở Việt Nam

  •  
  • 511

Việc áp dụng công nghệ mới vào thi công dải phân cách tự động sẽ giúp việc xây dựng tuyến cao tốc trị giá 11.808 tỷ đồng về đích trước thời hạn.

Trên công trường thi công gói thầu XL02 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong-Nha Trang những ngày giáp Tết Nguyên đán, các kỹ sư, công nhân đang thi công dải phân cách giữa bằng thiết bị tự động nâng hiệu suất lao động lên mức đáng kinh ngạc.

Cỗ máy đang được sử dụng trên công trường cao tốc Vân Phong - Nha Trangmáy đúc Power Curber 5700-D do Mỹ sản xuất, là loại máy bán chạy nhất thế giới.

Cỗ máy đúc dải phân cách kiểu "mỳ ăn liền".
Cỗ máy đúc dải phân cách kiểu "mỳ ăn liền". (Ảnh: VGP Phan Trang).

Máy chuyên dùng để đúc bó vỉa, làm dải phân cách cứng với chiều cao lên tới 1,5m trên đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị, khu công nghiệp. Cỗ máy này cũng có thể trải đường bê tông xi măng (rộng đến 2m rải bên cạnh hoặc đến 3 m rải ở giữa), làm rãnh, kênh thoát nước và nhiều công dụng khác.

Power Curber 5700-D được mô tả là sự kết hợp tuyệt vời giữa công suất và tốc độ. Máy có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng khi bảo dưỡng, vận hành an toàn hơn.

 Hình ảnh Power Curber 5700-D do nhà sản xuất cung cấp.
Hình ảnh Power Curber 5700-D do nhà sản xuất cung cấp. (Ảnh: Vicoma).

Cỗ máy dưới sự điều khiển của con người đi "lừ lừ" giữa đường và "nhả" ra dải phân cách bê tông liền mạch không những đạt chất lượng đồng đều với tính thẩm mỹ cao mà còn giúp tiết kiệm thời gian thi công, nâng cao năng suất. Với cỗ máy này, việc thi công dải phân cách đường cao tốc trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.

Từ công trường cao tốc Vân Phong - Nha Trang, kỹ sư Nguyễn Thanh Đông cho Báo điện tử Chính phủ biết: "Đơn vị thi công  áp dụng công nghệ mới thi công dải phân cách tự động, tiết kiệm hơn, an toàn hơn với máy móc nhập khẩu hoàn toàn".

"Gói thầu XL02 triển khai từ tháng 2/2023, hiện tại chúng tôi đã bắt đầu thi công dải phân cách giữa đảm bảo an toàn giao thông. Những ngày giáp Tết này và kể cả thời điểm Tết Nguyên đán công trường cũng không ngừng nghỉ, Sơn Hải đang tổ chức thi công tại hiện trường 3 ca, 4 kíp liên tục với các mũi thi công, làm xuyên Tết với khoảng hơn 700 công nhân làm việc 24/7. Dự kiến, gói thầu do Sơn Hải thực hiện sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch ít nhất 1 năm", kỹ sư Nguyễn Thanh Đông cho nguồn trên hay.

Công nhân điều khiển máy tự động thi công dải phân cách giữa.
Công nhân điều khiển máy tự động thi công dải phân cách giữa. (Ảnh: VGP/Phan Trang).

Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang có điểm đầu (Km285+000) kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã và điểm cuối (tại khoảng Km368+350) kết nối điểm đầu Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Dự án có tổng chiều dài tuyến 83,35 km với tổng mức đầu tư 11.808,02 tỷ đồng. Công trình đi qua 4 huyện, thị xã của Khánh Hoà gồm Vạn Ninh với 32,255km, Ninh Hòa với 28,982km, Diên Khánh với 14,88km và Khánh Vĩnh với 7,9 km.

Mục tiêu đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm bớt gánh nặng cho tuyến quốc lộ 1 và các tuyến song hành, từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao.

Việc đầu tư dự án còn nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến. Đồng thời phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển giao thông vận tải; đáp ứng yêu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cập nhật: 31/01/2024 ĐSPL
  • 511