Cỗ máy giải mã trong Thế chiến hoạt động trở lại

  •  
  • 533

Máy tính khổng lồ mang tên Colossus từng được nước Anh dùng để phát hiện thông điệp trong các lệnh bí mật của Đức hồi Chiến tranh thế giới lần II vừa được khôi phục sau 60 năm nằm im lìm.

Tại trụ sở tình báo Anh Bletchley Park, những thiết bị to như chiếc xe tải đã được sửa chữa lại. Quá trình này ngốn mất 14 năm của các nhà khoa học và họ phải dựa trên một số bức ảnh cũ.

Trong những ngày còn hoạt động, nó mất vài giờ để giải mã một thông điệp bí ẩn mã hóa bởi máy Lorenz SZ40/42 của lãnh đạo tối cao bên phe Đức, thường là kế hoạch triển khai quân đội. Các kỹ sư cũng chưa rõ kỹ thuật xử lý của ngày xưa có nhanh hơn bây giờ hay không. Họ cho biết một Colossus ảo hiện nay được phát triển để chạy trên laptop dùng Pentium II có tốc độ xử lý thông điệp tương đương như Colossus thật. Tốc độ khá nhanh này có được là do vi xử lý chỉ dành cho một mục tiêu duy nhất, khác với máy tính đa nhiệm ngày nay.

Quy trình hoạt động như sau: Tín hiệu truyền từ Lorenz SZ40/42 qua radio được bắt lấy và in ra băng giấy rồi đưa vào Colossus với tốc độ 5.000 ký tự/giây. Sau đó, Colossus phân tích số liệu để biết được các bánh xe của Lorenz SZ40/42 hoạt động ra sao để dập nên đoạn văn bản mã hóa. Thông điệp này được phân tích rất nhiều lần và kết quả cuối cùng sẽ được in ra giấy. Thông thường Colossus mất 6 giờ để nắm được nội dung thông điệp và lần ra cơ cấu hoạt động của bánh xe Lorenz SZ40/42.

Hệ thống giải mã bao quanh Colossus bao gồm các cuộn băng giấy, đầu đọc băng giấy, jack cắm điện thoại, nút điều khiển chương trình... (Ảnh: BBC)

Việt Toàn

Theo BBC, Vnexpress
  • 533