Cờ Mỹ vẫn đứng trên mặt trăng sau 40 năm

  •   3,73
  • 2.640

Loạt bức ảnh mới nhất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy 5 trong số những lá cờ mà các phi hành gia cắm trên mặt trăng vẫn đứng vững tới tận ngày nay.

Phi hành gia Pete Conrad cắm quốc kỳ Mỹ trong chuyến đổ bộ lên mặt trăng của tàu Apollo 12 vào tháng 11/1969. Ngày nay lá cờ vẫn đứng đó.
Phi hành gia Pete Conrad cắm quốc kỳ Mỹ trong chuyến đổ bộ lên mặt
trăng của tàu Apollo 12 vào tháng 11/1969. Ngày nay lá cờ vẫn đứng đó.

Lunar Reconnaissance Orbiter, phi thuyền bay quanh mặt trăng của NASA, đã chụp những vị trí mà phi thuyền Mỹ từng đáp xuống trên mặt trăng từ năm 1969 tới 1972. Sau khi phân tích một số bức ảnh, các nhà khoa học kết luận rằng chỉ một trong 6 lá cờ mà phi hành gia Mỹ cắm trên mặt trăng bị đổ, Space đưa tin.

"Từ những bức ảnh của Lunar Reconnaissance Orbiter, chúng tôi tin chắc những quốc kỳ, trừ lá cờ được cắm trong chuyến đổ bộ của tàu Apollo 11, trên mặt trăng vẫn đứng vững. Bóng của chúng đổ lên mặt đất", Mark Robinson, một chuyên gia của NASA, phát biểu.

Một bức ảnh của tàu Lunar Reconnaissance Orbiter cho thấy bóng của lá cờ mà các phi hành gia cắm trong chuyến đổ bộ của tàu Apollo 16 lên mặt trăng vào năm 1972.
Một bức ảnh của tàu Lunar Reconnaissance Orbiter cho thấy bóng của lá cờ mà các
phi hành gia cắm trong chuyến đổ bộ của tàu Apollo 16 lên mặt trăng vào năm 1972.

Sau mỗi lần đổ bộ lên mặt trăng, các phi hành gia Mỹ luôn cắm một quốc kỳ để đánh dấu thành tựu về khoa học của đất nước. Lá cờ đầu tiên được cắm sau khi tàu Apollo 11 lên mặt trăng vào ngày 20/7/1969. Hôm đó nhà du hành Neil Armstrong, người đầu tiên trên thế giới bước trên mặt trăng, đã nói một câu bất hủ: "Đây là bước ngắn của một con người, nhưng là cú nhảy vọt đối với nhân loại".

Lần cắm cờ cuối cùng diễn ra vào ngày 14/12/1972. Từ đó tới nay con người chưa trở lại mặt trăng.

"Tôi từng nghĩ những lá cờ sẽ bị phá hủy bởi những tia cực tím và nhiệt độ khắc nghiệt trên mặt trăng, nhưng chúng vẫn tồn tại. Đó là điều khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên", Robinson nói.

Theo VNE, Space
  • 3,73
  • 2.640