Vì sao khi ăn lại thấy no? Một câu hỏi vô cùng đơn giản nhưng ẩn sau nó là cả một hệ thống phức tạp với sự phối hợp hoàn hảo. Đói là một cảm giác không dễ chịu chút nào và khó có thể phớt lờ. Dạ dày rỗng sẽ sinh ra các hormone, một trong số đó là Ghrelin, làm tăng hoạt động của các tế bào tạo cảm giác đói tại vùng dưới đồi não.
Khi đói, cảm giác như bụng bị cào cấu, ruột quặn lại và sôi ùng ục đòi được ăn. Để đáp lại lời kêu gọi, bạn đi tìm thức ăn và ăn ngấu nghiến một cách ngon lành. Khi ăn xong, bạn cảm nhận một cảm giác ngược lại, no bụng. Vậy làm thế nào mà cơ thể bạn lại thật sự biết bạn đã no?
Cảm giác no bụng diễn ra khi thức ăn đi từ miệng xuống thực quản và dần lấp đầy dạ dày. Điều này làm cho các cơ dạ dày căng ra từ từ. Vô số dây thần kinh bao quanh thành dạ dày cảm nhận được sự căng phồng và giải phóng tín hiệu qua dây thần kinh phế vị truyền đến cuống não và vùng dưới đồi, có nhiệm vụ điều khiển việc tiếp nhận thức ăn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những cách tiếp nhận mà bộ não sử dụng để ý thức sự no. Vì nếu bạn lấp đầy dạ dày bằng nước, bạn sẽ không cảm thấy no lâu.
Não xem xét các hormone được sản sinh bởi các tế bào nội tiết thông qua hệ tiêu hóa để biết được khi nào đủ no và nên dừng việc ăn. Các hormone này phản ứng với các chất dinh dưỡng trong mạch máu và ngày càng tăng khi tiêu hóa thức ăn. Có hơn 20 hormone thuộc hệ tiêu hóa giúp tiết chế sự ngon miệng của chúng ta.
Ví dụ như Cholecystokinin được sản sinh bởi các tế bào ở ruột non để phản ứng với thức ăn. Khi nó chạm đến vùng dưới đồi não sẽ làm giảm sự ngon miệng, bạn bắt đầu cảm giác no và dừng ăn. Cholecystokinin cũng làm chậm sự di chuyển của thức ăn từ dạ dày đến ruột non. Việc này làm cho dạ dày căng phồng trong một khoảng thời gian, giúp cho cơ thể bạn báo rằng bạn đang no.
Đó cũng là lý do vì sau muốn giảm cân thì bạn nên ăn chậm vì mất một khoảng thời gian não mới nhận biết được bạn đã no.
Mặt khác, khi các hormone hệ tiêu hóa hiện diện trong máu, chúng kích hoạt tuyến tụy tạo ra Insulin. Insulin kích thích các tế bào chất béo của cơ thể sinh ra hormone Leptin. Leptin phản ứng với cơ quan thụ cảm tại vùng dưới đồi não. Vùng dưới đồi não có hai nhóm nơ-ron quan trọng cho cảm giác đói của chúng ta:
Leptin ngăn chặn các nơ-ron sản sinh cơn đói và kích thích các nơ-ron ngăn cản cơn đói. Đến lúc này, bạn sẽ cảm thấy no căng.
Thông qua sự trao đổi thông tin liên tục giữa các hormone, dây thần kinh phế vị truyền đến não thông báo tín hiệu bạn đã ăn đủ và nên dừng lại. Các nhà nghiên cứu nhận ra một vài loại thức ăn giúp no lâu hơn một số loại khác như khoai tây luộc thuộc top thực phẩm no dai nhất, trong khi bánh mì sừng lại thuộc top thực phẩm mau đói. Nhìn chung, thức ăn có nhiều chất đạm, xơ và nước sẽ giúp bạn no lâu hơn.