Cơ thể đặc biệt của loài cá sống ở độ sâu 8.178 mét

  •  
  • 2.832

Cá ốc có thể chịu áp suất cực hạn khi sống ở độ sâu lớn nhất dưới rãnh đại dương Mariana nhờ cơ thể chứa đầy chất nhờn.

Cá ốc Mariana được ghi hình ở độ sâu hơn 8.000 mét dưới mặt nước biển. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Mackenzie Gerringer, nhà sinh thái học biển sâu ở Đại học Washington, phát hiện loài cá này sử dụng cơ thể chứa đầy chất nhờn mọng nước để sống sót trong điều kiện áp suất cực lớn giống như cả con voi đè lên ngón tay, International Business Times hôm 3/1 đưa tin.


Loài cá ốc được phát hiện dưới rãnh Mariana. (Video: YouTube).

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Zootaxa, Gerringer và đồng nghiệp mô tả loài cá ốc mới được xác nhận sống ở độ sâu 8.178 mét tại rãnh Mariana nằm phía tây Thái Bình Dương. Dưới áp suất lớn và nhiệt độ chỉ ở mức 1- 2 độ C, cá ốc không có vẻ rắn chắc hay thân mình bọc giáp. "Bạn thực sự có thể nhìn thấy bộ não trong hộp sọ của chúng", Gerringer cho biết.

Trên thực tế, cá ốc thiếu những bó cơ và xương dày, đặc điểm có thể giúp chúng tăng khả năng nổi và tiết kiệm năng lượng. Chúng cũng thiếu những túi khí bên trong cơ thể. Các túi khí giúp những loài cá khác nổi trong nước nhưng có thể bị bẹp nát dưới áp suất cao. Thay vào đó, trong cơ thể cá ốc có nhiều lớp chất nhờn mọng nước giúp nổi tốt hơn cơ và xương, nhưng khó bị đè ép hơn túi khí. Chất nhờn này cũng giúp chúng bơi hiệu quả hơn, theo Gerringer.

Mẫu vật cá ốc Mariana.
Mẫu vật cá ốc Mariana. (Ảnh: Mackenzie Gerringer).

Trong một thí nghiệm, Gerringer tạo ra một con cá ốc robot in 3D với một túi bao quanh đuôi. Chiếc túi này có thể thêm bớt nước nhằm phỏng theo lớp mô nhờn như thạch. Khi chiếc túi trống rỗng, Gerringer nhận thấy cơ thể cá robot sinh ra lực cản lớn, khiến hoạt động bơi trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, khi túi đầy nước, cơ thể cá robot dường như linh hoạt hơn và bơi nhanh hơn. Lớp mô nhờn dính của cá ốc cũng rất dễ phát triển vì chứa chủ yếu là nước.

Cập nhật: 05/01/2018 Theo VNE
  • 2.832