Nhóm các nhà nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Sinh học phân tử châu Âu tại Monterotondo (Italia) đã phát hiện những khu vực trong bộ não chuột chịu trách nhiệm điều khiển các cơ chế làm xuất hiện cách ứng xử của chúng trong trường hợp gặp nguy hiểm. Các nhà khoa học cho rằng, kết quả của nghiên cứu sẽ được dùng để tìm ra những phương pháp chống stress cho con người.
Một trong những thí nghiệm mà các nhà khoa học đã thực hiện là phong toả được hoạt tính điện của các nơron. Chính việc này đã dẫn đến làm thay đổi được về cơ bản chiến lược ứng xử của con vật khi có cảm giác sợ hãi. Cụ thể là bản năng của chuột là rất sợ mèo, khi đột ngột nghe tiếng mèo kêu, chúng dường như chết lặng, đứng tại chỗ mà run rẩy, chờ chết.
Nhưng những con chuột được các nhà khoa học Italia tác động vào “khu vực sợ” trên não thì không co rúm lại như thế. Ngược lại nghe tiếng mèo, chẳng những không “xuýt ngất” hoặc trốn chạy mà chúng rất bình tĩnh, dừng lại, đứng bằng hai chân sau, ngó nghiêng xung quanh xem mèo đang ở đâu.
"Tuy vẫn sợ mèo nhưng những con chuột của chúng tôi đã chuyển từ chiến lược thụ động sang chiến lược chủ động đối phó với những hiểm nguy. Sự thay đổi hành vi ấy làm chúng tôi hoàn toàn bất ngờ”, giáo sư Gross, người đứng đầu chương trình nghiên cứu cho biết.
Các tác giả của bài báo cho rằng hành vi chủ động hoặc thụ động trước sự sợ sệt cũng là những đặc trưng của con người, nên nếu hiểu được cách điều khiển được hành vi thì người ta sẽ dễ dàng đối phó với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống hàng ngày mà không sợ rơi vào tình trạng stress như hiện nay.