Sản phẩm tre ép khối thay thế gỗ là một hướng đi tiềm năng cho Việt Nam.
Từ lâu trên thế giới, vật liệu được làm từ tre đã rất được ưa chuộng do có nhiều ưu điểm về độ cứng cao, ít bị trầy xước, có khả năng chịu mài mòn, chịu nhiệt, chịu nước. Các sản phẩm làm từ tre an toàn cho người sử dụng, thân thiện môi trường, tạo không gian xanh, nhiều mẫu mã và độ bền cao, giá cả hợp lý... Vì thế, tre được coi là “thép xanh” và lựa chọn thay thế cho các sản phẩm gỗ đang dần bị khai thác cạn kiệt.
Theo Ban vận động Hiệp hội Tre Việt Nam, giá trị thương mại toàn cầu ngành tre giai đoạn 2018-2019 đạt gần 70 tỉ USD. Đây cơ hội lớn cho ngành sản xuất kinh doanh sản phẩm từ tre của Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia xuất khẩu sản phẩm mây tre nhiều nhất thế giới, sau Trung Quốc, EU và Indonesia.
Đáng chú ý, năm 2020 lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng (FIRI), Đại học Lâm nghiệp và Công ty Cổ phần BWG Mai Châu đã hợp tác chế tạo thành công vật liệu tre ép khối, mở ra lựa chọn thay thế cho sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Tre ép khối, tên thương mại là Pressed Bamboo Blocks (PBB) hay Strand Woven Bamboo (SWB), là một loại composite đặc biệt của tre, được tạo ra từ các nan tre và một số loại chất kết dính (keo) chuyên dùng, tạo ra sản phẩm có tính chất cơ học tương đương gỗ.
Sản phẩm tre ép khối.
Nhu cầu về tre ép khối tăng liên tục, đặc biệt ở các thị trường phát triển như châu Âu và Bắc Mỹ, để làm các sản phẩm từ ván xây dựng, ván sàn cho đến khung cửa, cầu thang, sản phẩm nội thất và đồ gia dụng. Trước đó, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó trong việc phát triển sản phẩm này vì chưa có các nghiên cứu bài bản và hoàn chỉnh về toàn bộ quá trình công nghệ sản xuất tre ép khối từ nguồn nguyên liệu trong nước.
So với ngành sản xuất gỗ, ngành sản xuất tre công nghiệp mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho Việt Nam vì trừ keo ép phải nhập khẩu, toàn bộ nguyên liệu đầu vào khác được cung cấp trong nước. Ngành này còn đem lại nhiều giá trị hơn cho người dân trồng tre so với các ngành khác nên được xem là ngành giúp phát triển bền vững cho vùng miền núi và nông thôn.
Việt Nam là một trong những nước thuận lợi để phát triển ngành tre công nghiệp với hơn 1,5 triệu ha rừng tre nguyên liệu chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La... Tuy nhiên, mặc dù đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2005, đến nay ngành sản xuất vật liệu tre công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ. Hiện tại, có 5 doanh nghiệp có thể sản xuất tấm tre ép công nghiệp, trong đó phần lớn là quy mô nhỏ. Chỉ một doanh nghiệp có công suất lớn trên 100.000m3/năm có thể sản xuất được cả 2 dòng sản phẩm tre ghép thanh và tre ép khối là BWG Mai Châu. Phần lớn các doanh nghiệp này thực hiện toàn bộ công đoạn sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, chứ không thực hiện theo chuỗi.
Hiện nay, Trung Quốc gần như là nhà sản xuất tre ép khối thương mại duy nhất. Nhiều doanh nghiệp từ quốc gia này gặp khó khăn trong việc bắt kịp tốc độ tiêu thụ toàn cầu và đang ra sức tìm kiếm các thỏa thuận mua tre từ những quốc gia láng giềng nhằm tăng công suất. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong vùng trung tâm phân bố tre của thế giới, sở hữu 121 loài tre trúc, nhưng cho đến nay, cơ cấu giá trị ngành chế biến mây tre là 95% từ nhóm hàng truyền thống và 5% từ nhóm hàng mới, quy mô công nghiệp (tre ép ván làm đồ nội thất hoặc phục vụ xây dựng, than tre hoạt tính, sợi từ tre...).
Với đòi hỏi của thị trường, người trong ngành ước tính đến năm 2020 và năm 2030, cơ cấu này nên đạt tỉ lệ 30:70. Phát triển các sản phẩm tre ép khối thay thế gỗ có thể coi là một hướng đi tiềm năng cho Việt Nam.
Ông Phạm Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tre gỗ sinh thái Minh Thắng, nhận định, hoạt động sản xuất sản phẩm từ cây tre của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn của ngành, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm như nguyên liệu phục vụ cho ngành tre còn thiếu, không ổn định về số lượng và chất lượng nguyên liệu... Các vấn đề về thị trường cho sản phẩm cũng còn nhiều tồn tại như việc các doanh nghiệp phân phối chưa tiếp cận được nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu thông qua trung gian, chủ yếu là gia công cho nhãn hiệu nước ngoài, thiếu nhân lực marketing, nghiên cứu, quảng bá thị trường...
Nguồn nguyên liệu tre ở Việt Nam rất lớn. (Ảnh: vietnamese.googleblog.com).
Đánh giá về khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng cho biết, nguồn nguyên liệu tre ở Việt Nam rất lớn, giá thu mua nguyên liệu đầu vào rẻ, chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, do đó giá thành sản phẩm sẽ thấp hơn rất nhiều.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, nhà sáng lập BWG Mai Châu, nhận định: “Tre công nghiệp ở Việt Nam được dự báo sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, khi chuỗi giá trị ngành tre được hình thành. Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng sang Việt Nam kết hợp với sự chuyển dịch mạnh mẽ của việc sử dụng vật liệu tre công nghiệp thay thế gỗ đã và đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, với cơ sở vật chất hiện có, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam có thể sản xuất thêm hoặc chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tre theo yêu cầu của khách hàng một cách dễ dàng mà gần như không phải đầu tư thêm. Sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam sẽ giúp hoàn thiện chuỗi giá trị phát triển bền vững cho ngành tre công nghiệp Việt Nam, đồng thời giúp hiện thực hóa tiềm năng giá trị nhiều tỉ đô của ngành tre Việt Nam.