Cú đớp của cá mập cổ đại còn uy lực hơn cả khủng long T. rex

  •   3,912
  • 17.945

Cú đớp với sức mạnh khủng khiếp nhất của mọi thời đaại chính là sở hữu của loài cá mập khổng lồ thời tiền sử Megalodon. Cú đớp của nó khiến cho khủng long bạo chúa T. Rex cũng trở nên tội nghiệp.

Cá mập Megalodon (nghĩa là “Răng Lớn” trong tiếng Hy Lạp) khổng lồ có thể dài tới trên 50 fit và nặng tới 110 tấn, nặng gấp ít nhất 30 lần so với họ hàng lớn nhất đang hiện diện ngày nay của nó – cá mập trắng khổng lồ.

Hóa thạch cho thấy Megalodon “đi săn con mồi còn sống và giết chết cá voi lớn nhờ cú đớp vào đuôi cũng như vây”, theo nhà nghiên cứu Stephen Wroe kiêm nhà cơ giới sinh học và nhà cổ sinh vật học thuộc đại học New South Wales tại Sydney, Australia.

Các nhà nghiên cứu đã áp dụng kỹ thuật điện toán tinh vi để phân tích cú đớp của cá mập trắng khổng lồ và cá mập cổ đại Megalodon nhờ một chương trình phần mềm mà các kỹ sư sử dụng để tái tạo “mọi thứ từ loài ốc tai hồng đến cây cầu hay tàu vũ trụ”.

Mô hình kỹ thuật số 3D mà ông cùng các cộng sự phát triển, dựa trên hình ảnh tia X của một con cá mập trắng đực dài 8 fit, đã tái tạo hộp sọ, hàm và cơ của con cá mập từ gần 2 triệu bộ phận nhỏ xíu gắn kết với nhau. Wroe cho biết: “Cần phải mất rất nhiều năng lực tin học để có thể phân tích một thứ tương đối đơn giản như bộ hàm vì bạn đang phải đối đầu với tất cả các hình dạng phức tạp trong sinh học”.

Ảnh quét CAT cá mập trắng. (Ảnh: Stephen Wroe et al)

Các nhà khoa học đã phải nỗ lực rất nhiều  trong quá khứ để có thể tìm hiểu cú đớp của cá mập trắng mạnh đến dường nào. Dường như con người đang đáng giá quá thấp sức mạnh của cá mập trắng do chúng chỉ vờn con mồi trước mặt kẻ thù. “Nếu đó là mục tiêu tương đối nhỏ, và nếu chúng không chắc chắn mục tiêu là thứ gì, chúng có thể cắn đứt đôi – dù là xương hay thép. Khi đó có lẽ bạn sẽ không có cơ hội chứng kiến sức mạnh tột độ của cú đớp kinh hoàng này”.

Những con cá mập trắng lớn nhất có lực cắn lên tới 2 tấn, lớn gấp 3 lần lực cắn của loài sư tử châu Phi và gấp 20 lần lực cắn của con người. “Đây là lực cắn lớn nhất được biết đến trong thế giới của các loài thú đang tồn tại ngày nay, mặc dù có thể loài cá voi sát thủ hay cá sấu cũng có lực cắn mạnh hơn”.

Mặc dù cá mập trắng có sức mạnh khủng khiếp đến thế, nhưng họ hàng khổng lồ đã tuyệt chủng của nó thậm chí còn vượt xa hơn nhiều trong cuộc đua với lực cắn lớn gấp 10 lần khiến chúng trở thành kẻ săn mồi đáng sợ nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Nếu so với khủng long Tyrannosaurus rex, loài “thằn lằn bạo chúa” này cũng không xứng làm đối thủ với cá mập Megalodon đã tuyệt chủng. Khủng long bạo chúa có lực cắn vào khoảng 3,1 tấn, “lớn hơn cá mập trắng đang tồn tại nhưng lại là con số khiêm nhường đối với loài ‘Răng Lớn’”.

Ảnh trên, ảnh quét CAT cá mập trắng. Ảnh dưới, ảnh tái tạo kỹ thuật số hình cá mập trắng với các cơ. (Ảnh: Stephen Wroe et al)

Wroe thêm rằng: “Tôi phải nói tôi khá ấn tượng với bộ máy tiêu hóa phức tạp và tinh vi của cá mập. Với tất cả những kẻ săn mồi thuộc động vật có vú tôi quan sát, rất nhiều lực cơ dành cho cú đớp đều bị mất. Nhưng cá mập lại sở hữu một hệ thống đòn bẩy hiệu quả hơn”.

Sức mạnh đánh sợ mà những kẻ đi săn này sử dụng đã thể hiện phong cách của chúng. “Chúng theo sau những con mồi lớn có thể làm chúng bị thương, và chúng không hề muốn thế. Do đó chúng đã tấn công chỉ bằng một cú đớp gây thương tích nặng nề rồi sau đó quay trở lại đợi con mồi chết dần chết mòn vì mất máu”, Wroe giải thích. Các sinh vật khác có lẽ cũng đi săn với cùng một phương pháp như thế, trong đó bao gồm loài thằn lằn và các loài khủng long giống allosaur.

Cú đớp của cá mập có lẽ đặc biệt đáng sợ cho dù chúng chẳng hề có xương, khung cơ thể của chúng được tạo nên từ sụn – loại mô tạo nên tai người.

“Mặc dù sụn mềm dẻo hơn xương nhưng sun cũng không làm giảm sức cắn đi nhiều, có lẽ chỉ khoảng 5% hoặc ít hơn”

. Tính linh hoạt cao của hệ thống khung cơ thể có thể giải thích tại sao cá mập lại có cú đớp hiệu quả đến thế.

Nhưng cú đớp của cá mập cũng không đến nỗi quá đặc biệt. “Xét theo một đơn vị cân nặng thì hầu hết các loài chó và mèo có cú đớp thậm chí còn mạnh hơn. Nhưng vì cá mập quá lớn nên mới có lực cắn khủng khiếp như thế”.

Mặc dù cú đớp của cá mập mạnh mẽ như thế, nhưng khả năng gây sát thương lên con mồi phần lớn phụ thuộc vào thiết kế tinh vi của bộ hàm đáng sợ. Wroe giải thích: “Răng của chúng cực sắc, có răng cưa như dao thái thịt bò, nên chũng không cần phải dùng quá nhiều lực như thế để đớp hay xé thịt tươi. Chúng có băng tải răng nên răng cứ tiếp tục mọc từng hàng từng hàng. Chiếc răng cá mập rụng và được thay thế trước khi nó kịp mòn đi”.

Phải thú nhận là “việc ước lược lực cắn của một con cá lớn đã chết đúng là phải có bí quyết”. Nhưng phương pháp mà Wroe và các cộng sự sử dụng để phân tích hàm của cá mập có thể giúp tìm ra các phương pháp tốt hơn để tái tạo gương mặt của con người sau khi bị chấn tương. “Cách chúng ta tái tạo bộ hàm của cá mập chính xác là phương thức chúng ta mô hình hóa gương mặt của con người”.

Nghiên cứu của Wroe cũng có thể giúp thiết kế các thiết bị chống cá mập hữu hiệu hơn. “Những con cá mập lớn thực tế thường gây ra tổn hại đáng kể đối với hệ thống liên lạc dưới nước”.

Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu rất nhiều các sinh vật đã tuyệt chủng và những loài hiện hữu, trong đó bao gồm loài bò sát biển khổng lồ, chim khổng lồ ăn thịt, giống người đã tuyệt chủng như Australopithecus africanus (họ hàng gần gũi của người hiện đại) và Paranthropus, từ lâu đã được các nhà nhân chủng học biết đến với cái tên Nutcracker Man với bộ hàm vĩ đại. “Chúng ta có thể thu được các thông tin đáng ngạc nhiên về sinh thái cũng như sự tiến hóa của một loài động vật bằng cách tìm hiểu ó ăn như thế nào. Đây là một hoạt động rất quan trọng của loài vật”.

Wroe và các cộng sự sẽ công bố chi tiết nghiên cứu của họ trên số ra sắp tới của tờ Journal of Zoology.

Nghiên cứu được Hội đồng nghiên cứu Australia, Đại học New South Wales, cơ quan Internal Strategic Initiatives (Sáng kiến chiến lược quốc tế) và Quỹ khoa học Thái Bình Dương và Australia tài trợ.
Trà Mi (Theo LiveScience)
  • 3,912
  • 17.945