Cúm gia cầm tái phát tại ĐBSCL : Vùng dịch mở rộng!

  •  
  • 108

Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng tái phát trên diện rộng tại ĐBSCL. Trước tình hình này, ngày 28-12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm tại khu vực ĐBSCL.

Vùng dịch lan ra 3 tỉnh…

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC), đến nay có 6 xã phường của 4 huyện, thành phố ở 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu tái phát dịch CGC. Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy trong vùng dịch là 9.070 con, trong số này có 7.929 con vịt.

Tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn khi ngày 28-12, ông Nguyễn Hiền Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang chính thức thông báo: Hậu Giang đã tái phát dịch CGC tại xã Xà Phiên và Lương Tâm huyện Long Mỹ với số lượng 1.100 con.

Trong khi đó, tại Cà Mau và Bạc Liêu, 3 ngày qua đã xuất hiện tình trạng gia cầm (chủ yếu là vịt) chết hàng loạt với những triệu chứng nghi nhiễm CGC tại 4 xã gồm: xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) và xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, Cà Mau); xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) và xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu).

Không quản lý được vịt tái đàn, chạy đồng

Vịt chết vứt trôi sông ở xã An Xuyên, TP Cà Mau.

Vịt chết vứt trôi sông ở xã An Xuyên, TP Cà Mau.
(Ảnh: SGGP)

Trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu, thì người dân còn chủ quan, thiếu ý thức hợp tác, chậm khai báo khi phát hiện gia cầm chết. Hơn nữa, ngay tại vùng xuất hiện ổ dịch vẫn còn tình trạng người dân thả vịt chạy đồng, tẩu tán đàn gia cầm. Khâu kiểm soát, giám sát vận chuyển, mua bán ở nhiều nơi chưa tốt; tình trạng vứt xác gia cầm chết trên kinh rạch còn nhiều…

Vấn đề đặt ra là các tỉnh, thành trong khu vực đều báo cáo tỉnh lệ tiêm phòng đạt khá cao, trên 90%, thậm chí vượt 100% (vì tính số gia cầm từ nơi khác chuyển đến) nhưng dịch cúm vẫn tái phát. Và toàn bộ những nơi tái phát dịch đều trên gia cầm tái đàn trái phép, không được tiêm phòng.

Ngành thú y các tỉnh, thành trong khu vực đều thừa nhận với lực lượng yếu, thiếu, mỏng như hiện nay (mỗi xã chỉ có 1 cán bộ thú y, thậm chí không có) thì không thể kiểm soát nổi tình trạng gia cầm tái đàn.

Và không một địa phương nào biết chính xác số lượng gia cầm tái đàn ở thời điểm hiện nay là bao nhiêu. Trong khi đó, chính quyền địa phương cấp xã, ấp nhiều nơi buông lỏng. Đây là mối nguy cơ lớn dẫn đến tình trạng tái bùng phát dịch CGC trên diện rộng. Ông Đinh Công Thận, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết: “Chỉ trong đợt tiêm phòng thứ 2, Kiên Giang có tới 1 triệu con gia cầm tái đàn, chủ yếu là vịt.

Từ ngày 15-11 đến nay, ít nhất cũng có 500.000 con được tái đàn. Phổ biến nhất là người dân tái đàn nhỏ lẻ ở khắp các vùng nông thôn. Ngày 27-12, chúng tôi buộc tiêu hủy 1.000 vịt mới ấp nở và 10.000 trứng vịt chuẩn bị nở. Nhưng đây chỉ là bề nổi”…
Các lò ấp nở vịt con đang đối phó với ngành chức năng bằng cách cho ấp gần nở rồi giao cho nông dân đem về nhà ủ chờ nở (24 giờ) rồi nuôi.

Khẩn cấp phòng chống

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhận định: “Thời gian qua, chúng ta vẫn còn nhiều sơ sót ở các khâu tiêm phòng, tuyên truyền, giám sát, quản lý… Nguy cơ xảy ra dịch lớn trên diện rộng như năm 2003 là rất lớn. Các ổ dịch tái phát có thể do lây lan hoặc tự phát từ mầm mống dịch bệnh của các ổ dịch cũ”.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống CGC đặc biệt lưu ý: Vấn đề trước mắt là các địa phương phải xử lý nhanh chóng, dứt điểm các ổ dịch tái phát, dứt khoát không để phát tán mầm bệnh. Mặt khác, 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL phải khẩn cấp tiêm phòng bổ sung trên đàn gia cầm tái đàn, chưa tiêm phòng.

Bộ NN&PTNT ưu tiên cấp vaccine cho ĐBSCL trước ngày 1-1-2007. ĐBSCL phải khẩn trương thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh tiêu độc sát trùng trên diện rộng, đặc biệt chú trọng vùng có nguy cơ cao, các khu vực chăn nuôi, mua bán giết mổ gia cầm. Quá trình vận chuyển, mua bán giết mổ và tiêu thụ gia cầm phải được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng tái đàn ngay từ lò ấp nở, chăn thả vịt chạy đồng từ nơi này sang nơi khác…

BÌNH ĐẠI

Theo Sài Gòn giải phóng
  • 108