Các nguyên nhân tạo ra khó khăn này khiến hậu thế đi từ kinh ngạc đến xót thương cho số phận những cung nữ thời xưa. Cụ thể là gì?
Trong 1 khoảng thời gian dài sau khi được thành lập, nhà Thanh luôn duy trì một quy định đối với các cung nữ. Đó là yêu cầu họ phải làm việc, phục vụ cho các chủ nhân trong Tử Cấm Thành cho đến lúc chết mới thôi. Nhưng đến thời Ung Chính, quy định vô lý này đã được sửa đổi. Các cung nữ chỉ cần làm việc đến 25 tuổi là được xuất cung.
Trước khi xuất cung, họ còn được hoàng đế ban thưởng tiền bạc, xem như là phần quà bù đắp cho quãng thời gian thanh xuân họ đã cống hiến cho triều đình. Tuy nhiên, dù xuất cung ở độ tuổi 25 và có 1 khoản tiền riêng nhưng những cung nữ này lại rất khó tìm được người chồng như ý. Thậm chí, họ còn gặp phải khó khăn trong vấn đề sinh nở? Tại sao lại như vậy?
Độ tuổi kết hôn của nữ giới thời phong kiến thường rất sớm, đại đa số đều lập gia đình khi chỉ mới 16, 17 tuổi. Thậm chí, 18 tuổi kết hôn đã bị xem là khá muộn, những người sinh con ở độ tuổi 20 còn bị gọi là "sản phụ lớn tuổi". Do đó, với độ tuổi 25, khi những cung nữ xuất cung sẽ khó lòng nhận được sự "chấp thuận" của xã hội khi muốn đặt vấn đề kết hôn.
Các cung nữ nhập cung từ khi còn rất trẻ. (Ảnh: Baidu)
Cho dù xã hội không để tâm thì họ cũng khó lòng tìm được người đàn ông nào chịu lấy họ vì vấn đề tuổi tác. Nhận thức được rõ điều này, các cung nữ sau khi xuất cung đều rất tự ti, không dám chủ động tìm người đàn ông của cuộc đời mình. Trừ phi có người chủ động tìm đến họ, nhưng khả năng này lại rất nhỏ.
Quy định trong hoàng cung rất nghiêm khắc, đối với các cung nữ lại càng khắt khe. Họ phải làm việc với cường độ cao, lại không thể ngủ đủ giấc nên sức khỏe không tốt lại rất dễ mắc bệnh.
Theo những ghi chép của tập tài liệu "Hương án phủ Nội Vụ" (phủ Nội Vụ: cơ quan coi giữ tài sản, vật dụng cho hoàng gia), nhiều cung nữ hầu hạ trong cung đã mắc phải nhiều loại bệnh từ khi còn rất trẻ. Những loại bệnh thường thấy ở cung nữ như: động kinh, bệnh lao, hen suyễn, đau dạ dày, thương hàn,...
Công việc nặng nhọc khiến các cung nữ mắc đủ loại bệnh. (Ảnh: Baidu)
Không chỉ vậy, rất nhiều tài liệu lịch sử khác cũng có ghi chép về các loại bệnh tật thường gặp của cung nữ. Theo đó, một căn bệnh quái ác khá phổ biến ở những cung nữ thời xưa còn có bệnh gan. Vào tháng 6 năm Càn Long thứ 48 có ghi chép như sau: phát hiện hơn 10 cung nữ mắc bệnh gan, các thái y đã kê cho họ rất nhiều những phương thuốc bổ gan và dạ dày.
Các cung nữ do mang trên mình đủ loại bệnh nên không chỉ sức khỏe yếu, khả năng sinh đẻ bị hạn chế mà đến tuổi thọ trung bình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những quy định phức tạp trong chốn hoàng cung khiến các cung nữ rất dễ phạm lỗi. Nếu là tội lớn, họ có thể bị phạt tiền, phạt đánh, sau đó là bị đuổi khỏi Tử Cấm Thành. Nhiều người cho rằng, chẳng phải chỉ là bị trục xuất khỏi cung hay sao? Đâu có gì to tát mà các cung nữ không có mặt mũi đi tìm chồng?
Bởi điều này có liên quan trực tiếp đến thanh danh của những cung nữ. Đa số những cung nữ bị triều đình trục xuất ra khỏi cung đều vì phạm phải những sai lầm liên quan đến nhân phẩm. Ví dụ như tâm địa không đoan chính, công việc chính không chú tâm làm mà chỉ thích đồn thổi chuyện phiếm, hoặc là gây gổ với những cung nữ khác,...
Một số cung nữ bị trục xuất khỏi cung vì phạm đại tội. (Ảnh: Baidu)
Sau khi bị định tội danh và bị đuổi khỏi cung, những cung nữ này thường bị xã hội bên ngoài chỉ trích. Đến người nhà cũng cảm thấy mất mặt, thậm chí, một số gia đình còn không chấp nhận cho con cái là cung nữ bị triều đình trục xuất quay trở lại nhà. Tất cả thanh danh đều bị hủy hoại, do đó, họ rất khó để tìm được 1 công việc để làm, đương nhiên càng không có mặt mũi nghĩ đến chuyện kết hôn, bởi liệu có ai cần họ đây?
Có thể nói, thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã khổ cực, thân phận những cung nữ hầu hạ trong hoàng cung lại càng bi thảm hơn bao giờ hết.
Mặc cảm với xã hội về tuổi tác, lại mang đủ loại bệnh trong người, việc có một người chồng thương yêu và những đứa con là một điều xa xỉ đối với họ. Đối với những cung nữ bị đuổi khỏi cung vì phạm tội, họ chỉ có 2 con đường: một là chết đi trong sự nghèo khó và cô lập của gia đình, xã hội; hai là xuất gia.