Cuộc “tháo chạy” của phi hành gia Mỹ

  •  
  • 2.709

Ngày 21.7, tàu Atlantis hạ cánh thành công sau chuyến bay cuối cùng, đánh dấu sự kết thúc chương trình tàu con thoi của Mỹ.

>>> Biến nước tiểu thành nước uống trong vũ trụ
>>> Atlantis - Tàu con thoi xuyên hai thế kỷ

Cuộc “tháo chạy” của phi hành gia Mỹ
Nhiều phi hành gia rời khỏi NASA do không thể biết được đến bao giờ Dragon hoặc những phi thuyền khác của Mỹ lại bay vào không gian

Nhiều phi hành gia của NASA đang phải đau đầu tính chuyện tương lai. Nỗi trăn trở lớn nhất của họ là liệu có thể tiếp tục gắn bó với niềm đam mê chinh phục không gian nữa không? Sau ngày 21.7, chỉ còn tàu vũ trụ Soyuz của Nga thực hiện các chuyến bay vào không gian, theo tờ The Washington Post. Các phi hành gia Mỹ đã bay vào vũ trụ trong năm nay sẽ phải “xếp hàng” ít nhất 5 năm nữa mới có thể tái ngộ Trạm Không gian quốc tế (ISS). Trong tương lai gần, mỗi năm NASA chỉ dự kiến gửi từ 4-6 phi hành gia theo tàu Soyuz lên ISS với mức phí cao khủng khiếp: 56 triệu USD/người.

Năm 2001, NASA có khoảng 150 phi hành gia, con số này giảm xuống 92 người vào tháng 10.2009 và 61 người hiện nay. Không thể chờ đợi 5 - 6 năm nữa, nhiều người trong số này đã quyết định “tháo chạy” khỏi NASA. Phi hành gia Garrett Reisman nhận định: “Chúng tôi đang ở giai đoạn chuyển tiếp và tình hình có vẻ rất khó khăn”. Tháng 5 vừa qua, sau khi hoàn thành chuyến bay 11 ngày trên không gian, vị tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật cơ khí này quyết định “cập bến” hãng SpaceX có trụ sở tại California. Đây là đối tác vừa ký hợp đồng trị giá 1,6 tỉ USD với NASA để thực hiện việc tiếp tế cho ISS. Tại SpaceX, Reisman đã gặp đồng nghiệp cũ là Kenneth Bowersox. Cả hai đang nghiên cứu dự án phi thuyền Dragon của hãng này nhằm đưa người lên không gian trong tương lai.

Một trường hợp khác, nữ phi hành gia Pamela Melroy rời NASA từ năm 2009 và chuyển sang làm việc tại Cơ quan Hàng không dân dụng Mỹ (FAA). Sắp tới, bà cũng sẽ hợp tác với SpaceX tại bộ phận khai thác du lịch không gian. Bà Melroy từng hai lần điều khiển tàu con thoi và một lần chỉ huy đội bay vào vũ trụ. Bà giải thích lý do chia tay NASA là do không thể chắc chắn về công việc trong tương lai và “không muốn mải lo lắng việc có được tham gia vào một trong những chuyến bay cuối cùng hay không”.

Hiện nay, không ai có thể biết được sau kỷ nguyên tàu con thoi, đến bao giờ Dragon hoặc những phi thuyền khác của Mỹ lại có thể bay vào không gian. Tổng thống Barack Obama và Hạ viện Mỹ đã chỉ thị cho NASA phát triển một loại tàu vũ trụ đa chức năng có người lái thế hệ mới (Multi-Purpose Crew Vehicle - MPCV) với mục tiêu chinh phục các tiểu hành tinh. Dự trù kinh phí trong năm 2011 cho dự án này khoảng 1,2 tỉ USD. Tuy nhiên, đến nay không có hạn thử nghiệm chính thức nào dành cho MPCV cũng như chưa có chương trình bay nào được lên kế hoạch.

Trước đây, những phi hành gia mới của Mỹ dù phải chờ đợi khá lâu, có khi lên đến 10 năm, để được bay vào không gian nhưng họ đều chắc chắn điều đó sẽ xảy ra. Với 4 người Mỹ và 5 người nước ngoài vừa được NASA tuyển dụng năm 2009 thì khác, giấc mơ vũ trụ của họ có vẻ bấp bênh hơn nhiều. Lần đầu tiên kể từ năm 1970, các phi hành gia “tập sự” không luyện tập để bay trên tàu con thoi mà dành ít nhất 5 năm chuẩn bị cho việc thực hiện nhiệm vụ trên trạm ISS. Ngoài ra, 30-40% chương trình huấn luyện được thực hiện ở nước ngoài và họ phải học khoảng 400 giờ tiếng Nga. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, từ đây đến năm 2016, sẽ có 6 phi hành gia mới được bay lên ISS.

Theo TNO
  • 2.709