Báo cáo của Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, đã phát hiện lượng phóng xạ i ốt trong không khí ở Ninh Thuận, TP HCM. Tại Hà Nội cũng phát hiện đồng vị phóng xạ Cs-137, nhưng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người.
Kết quả đo mẫu thu được vào ngày 30/3 ghi nhận được mức đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 trong mẫu khí ở Ninh Thuận là 19,2 micro Berquerel (có tính sai số) trên một m3 khí, cao hơn mức thông thường. Tương tự, kết quả đo mẫu thu được vào ngày 29/3 ghi nhận được mức đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 trong mẫu khí ở TP HCM là 20,1 micro Berquerel (có tính sai số) trên một m3 khí. Ngưỡng phát hiện chất phóng xạ này 0,5 μBq/m3.
Cũng theo báo cáo của Bộ, ngoài ghi nhận đồng vị phóng xạ là I-131, Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân tại Hà Nội hôm nay phát hiện đồng vị phóng xạ Cs-137 và Cs-134 (xê-ri), tương ứng với kết quả mẫu đo được là 11,4 micro Berquerel (có tính sai số) và 10,4 micro Berquerel (có tính sai số) trên một m3 khí.
Cho đến nay các trạm đã phát hiện đồng vị phóng xạ ở 5 địa điểm là Lạng Sơn, Hà Nội, TP HCM, Đà Lạt và Ninh Thuận.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đặng Thanh Lương, Cục phó cục an toàn bức xạ hạt nhân, lượng phóng xạ đo được thấp hơn tiêu chuẩn hàng trăm nghìn lần, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường.
Ông Lương cho rằng, lượng phóng xạ này có thể đến từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật.
Giải thích thêm về điều này, tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho rằng trong thời gian này chỉ Nhật mới có lượng phóng xạ phát tán ra ngoài nhiều như vậy.
Phòng xử lý kiểm tra đồng vị phóng xạ tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Ảnh Vnexpress
Đề cập khả năng mưa ở Hà Nội hôm qua có thể làm tăng ảnh hưởng của đồng vị phóng xạ i ốt trong không khí hay không, ông Điền cho biết, hiện hàm lượng chất đó rất thấp, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và người dân không cần quá lo lắng.
"Nếu có mưa, chất phóng xạ sẽ rơi xuống đất. Nếu trong không khí phóng xạ có nồng độ cao thì gây ảnh hưởng đến cây trồng. Tuy nhiên với nồng độ thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn như hiện nay thì không vấn đề gì", ông Điền nhấn mạnh.
Cũng theo tiến sĩ Điền, phóng xạ ở Việt Nam sẽ có xu hướng ngày càng giảm dần, nếu không có bất kỳ sự cố nào từ nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản. Chu kỳ bán hủy của i-ốt là 8 ngày (tức là cứ 8 ngày sẽ giảm đi 1/2 lượng phóng xạ).
Thời gian tới các trạm quan trắc của Việt Nam tiếp tục đo đạc diễn biến phóng xạ trong nước và theo dõi tình hình sự cố hạt nhân Nhật Bản.
Trong khi đó, tổ chức CTBTO (Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện) hôm nay cho biết, đã phát hiện I-131 tại một số trạm ở Trung Đông như Kuwait và Bắc Phi và Mông Cổ.
Tại Đông Nam Á, vẫn chỉ có trạm tại Phillipines đã phát hiện thấy các hạt nhân phóng xạ.
“Dựa vào hình ảnh đám mây phóng xạ được tính toán cho các ngày hôm nay và ngày mai, tại khu vực Đông Nam Á, phần đám mây chính mặc dù vẫn chưa vào thềm lục địa Việt Nam nhưng có xu hướng bị chia nhỏ và phát tán rộng ra khu vực Đông Nam Á và bay tản mạn trong khu vực giữa Phillipines, Indonesia, Malaysia, Lào, Champhuchia và Việt Nam”, báo cáo CTBTO viết.
Các trạm quan trắc của mạng lưới CTBTO rất nhạy và có thể phát hiện các hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp trong bầu khí quyển.
Những ngày sắp tới, những đám mây nhỏ có thể đi qua khu vực Lào, Việt Nam và Campuchia nhưng rất khó phát hiện sự ảnh hưởng của nó đến nền phông phóng xạ hiện tại ở Việt Nam, vì nồng độ hạt nhân phóng xạ rất nhỏ, không thể làm thay đổi nền phông phóng xạ. Do vậy, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Dự báo cho đến hôm nay, đám mây phóng xạ chưa vào thềm lục địa nước ta. Các trạm quan trắc của mạng lưới CTBTO rất nhạy và có thể phát hiện các hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp trong bầu khí quyển.