Đài quan sát Mặt Trời cổ nhất thế giới

  •  
  • 506

Các nhà khảo cổ học mất 12 năm mới nhận ra rãnh tròn khổng lồ ẩn dưới một cánh đồng ở Đức là phần sót lại của một đài quan sát Mặt Trời cổ đại.

Phát hiện đài quan sát mặt Trời sớm nhất trên thế giới

Theo Ancient Origins, năm 1991, thanh tra của chính phủ Đức trong lúc chụp ảnh thị trấn Goseck từ không trung, phát hiện một rãnh tròn khổng lồ ẩn dưới cánh đồng. Nhiều năm sau, các nhà khảo cổ học mới tìm hiểu được đó là những gì còn sót lại của một đài quan sát Mặt Trời cổ đại.

Cũng ở khu vực này, giới khảo cổ còn phát hiện ra những dấu vết của các nghi thức đốt lửa và cả xương người có các vết cắt. Họ đi đến kết luận đây không chỉ là nơi dùng để quan sát bầu trời mà còn để thực hiện các nghi thức hiến tế con người.

Đài quan sát Mặt Trời cổ nhất thế giới
Vòng tròn Goseck sau khi được phục dựng. (Ảnh: Wikimedia Commons).

Vòng tròn Goseck là công trình thuộc thời kỳ đồ đá mới, với các cổng vào theo hướng Mặt Trời mọc và lặn vào các ngày chí (đông chí và hạ chí). Nền văn minh châu Âu đầu tiên là tác giả của công trình này, rất lâu trước các nền văn hóa ở vùng Lưỡng Hà và Ai Cập với kim tự tháp.

Được mệnh danh là "Stonehenge" của nước Đức, vòng tròn được tạo thành từ các tảng đá dựng đứng này được xác định có niên đại từ năm 4900 trước Công nguyên. Hàng trăm vòng tròn gỗ như vậy đã được xây dựng trong vòng 200 năm quanh thời điểm này. Trước đây giới khảo cổ nhầm tưởng những rãnh tròn này là các công sự cổ đại. Vòng tròn ở Đức là nơi được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất, trong số 250 cái tương tự ở khắp Áo, Czech, Slovenia và Croatia.

Từ những mảnh gốm vỡ được tìm thấy, các nhà khoa học xác định nền văn hóa gốm vuốt tay (Stichbandkeramik) của Đức đã xây dựng nên công trình này. Các mảnh gốm này được xác định có niên đại khoảng năm 4700 trước Công nguyên. Như vậy, có thể thấy khu vực đài quan sát này đã được sử dụng trong khoảng 200 năm.

Những mảnh gốm này đánh dấu quá trình chuyển đổi từ thời kỳ gốm "thẳng" - đặc trưng bởi các hoa văn trang trí theo đường thẳng (linear pottery) sang gốm vuốt tay. Giới khảo cổ chưa tìm thấy thông tin gì về ngôn ngữ hay những con người đã xây dựng vòng tròn này, chỉ có thể phỏng đoán về tín ngưỡng tôn giáo của họ.

Một số cho rằng các vòng tròn là một loại lịch để nông dân dựa vào đó tính ngày gieo trồng. Tuy nhiên, khi khai quật khu vực rộng 6.000m2 này, giới khảo cổ cũng tìm thấy những dấu vết còn lại của các bộ hài cốt không đầu và xương động vật, cho thấy có thể các nghi lễ hiến tế hoặc chôn cất cũng đã diễn ra ở đây.

Từ những dấu vết còn sót lại, họ xác định được cấu trúc ban đầu của vòng tròn Goseck, bao gồm hai hàng rào gỗ, một gò đất và 4 vòng tròn đồng tâm. Đường kính ngoài của vòng tròn là 75m. Một rãnh hẹp bao bọc các bức tường gỗ, có 3 cửa mở ra 3 hướng Bắc, Tây Nam và Đông Nam.

Nếu đứng ở trung tâm của công trình này vào ngày đông chí 21/12, có thể nhìn thấy Mặt Trời mọc ở cổng Đông Nam và lặn ở cổng Tây Nam. Các cổng được thiết kế theo kiểu nhỏ dần hướng về tâm, để có thể hướng tia sáng Mặt Trời đi theo một đường hẹp. Vai trò của cánh cổng phía Bắc vẫn đang được nghiên cứu.

Đài quan sát Mặt Trời cổ nhất thế giới
Các đường màu vàng biểu diễn hướng Mặt Trời mọc và lặn vào ngày đông chí. (Ảnh: Wikimedia Commons).

Vòng tròn Goseck được coi là đài quan sát Mặt Trời cổ nhất thế giới. Nó nằm trên cùng vĩ độ với vòng tròn đá Stonehenge ở Anh, còn kinh độ chỉ sai lệch một phút về phía Bắc (tương đương 1.000 mét). Cả hai đều nằm chính xác ở vĩ độ mà Mặt Trời mọc và lặn giữa mùa hè tạo một góc vuông với hướng lặn (phía Bắc) và mọc (phía Nam) của Mặt Trăng. Vị trí của vòng tròn cũng là một trong hai vị trí duy nhất trên thế giới nhìn thấy trăng tròn ở điểm cao nhất (thiên đỉnh) ngay trên đỉnh đầu.

Một trong những điểm thú vị của vòng tròn Goseck đó là sự tương đồng với một chiếc đĩa đồng tìm thấy cách đó 25km, gọi là đĩa Nebra Sky. Đĩa có đường kính 32cm, niên đại khoảng 1.600 năm trước Công nguyên.

Trên đĩa là những hình ảnh mô tả vũ trụ được coi là cổ nhất, gồm hình trăng tròn, trăng khuyết, một cụm 7 ngôi sao, được xác định là hình ảnh của chùm sao Tua Rua (Pleiades). Ngoài ra còn có ba vòng cung. Tất cả các họa tiết này đều được làm từ vàng lá, trên nền đĩa màu xanh tím.

Góc giữa hai cổng Tây Nam và Đông Nam của vòng tròn Goseck là 82 độ, bằng đúng góc của các đường chân trời được đánh dấu trên chiếc đĩa. Hai vòng cung đối diện nhau trên chiếc đĩa, có góc giữa các điểm thấp nhất là 97,5 độ, biểu hiện bình minh và hoàng hôn vào ngày đông chí tại miền trung nước Đức thời điểm đó. Tương tự, góc giữa các điểm cao nhất đánh dấu bình minh và hoàng hôn ngày hạ chí.

Ngày nay, các vị trí Mặt Trời mọc và lặn vào các ngày chí có một chút thay đổi, theo Wolfhard Schlosser, nhà thiên văn học tại Đại học Ruhr. Do đó, các góc này có hơi sai lệch so với góc trên chiếc đĩa và vòng tròn (1,6 độ khi Mặt Trời mọc và 2,8 độ khi Mặt Trời lặn).

Đài quan sát Mặt Trời cổ nhất thế giới
Họa tiết trên chiếc đĩa tương đồng với vòng tròn Goseck. (Ảnh: Wikimedia Commons).

Ngày nay, Goseck được xem là một phát hiện khảo cổ lớn, cung cấp cho các nhà khoa học một cái nhìn sâu sắc vào thế giới tâm linh của những nông dân châu Âu đầu tiên. Họ tôn thờ Mặt Trời như Chúa trời, ban cho sự sống và các mùa thay đổi quanh năm. Quan sát sự thay đổi thời tiết theo mùa đóng vai trò quan trọng trong sự hiểu biết của con người thời đó về thiên nhiên. Năm 2005, chính quyền thị trấn Goseck chi hơn 100.000 USD phục dựng đài quan sát cổ này.

Theo VnExpress
  • 506