Đàn chuột giúp hồi sinh vùng đất chết trong 24 giờ

  •  
  • 213

Chỉ với một ngày đào xới đất, chuột túi má giúp khôi phục sự sống cho vùng đất gần núi St Helens sau vụ phun trào năm 1980.

Vụ phun trào mạnh kỷ lục của núi St Helens, Mỹ, năm 1980 với lượng lớn dung nham và tro bụi đã biến cảnh quan hàng km xung quanh trở nên hoang tàn. Vùng đất chắc chắn cần rất nhiều thời gian để phục hồi. Tuy nhiên, một nhóm nhà khoa học khi đó nghĩ ra cách giúp tăng tốc quá trình này: Đưa chuột túi má (chuột gopher) đến "làm việc" trong một ngày. Sau khoảng 40 năm, kết quả được công bố trên tạp chí Frontiers in Microbiomes, IFL Science hôm 11/11 đưa tin.

Chuột túi má làm việc gần hàng rào năm 1982.
Chuột túi má làm việc gần hàng rào năm 1982. (Ảnh: Mike Allen/UCR).

Trong khi lớp đất bên dưới vẫn có thể giàu vi khuẩn và nấm, những lớp đất trên cùng đã bị vụ phun trào và dòng dung nham phá hủy. "Ngoại trừ vài loại cỏ, đa số rễ cây không thể tự lấy đủ chất dinh dưỡng và nước cần thiết. Nấm vận chuyển những thứ này đến cho cây và đổi lấy carbon mà chúng cần để phát triển", Michael Allen, đồng tác giả nghiên cứu, nhà vi sinh vật tại Đại học California Riverside (UCR), giải thích.

"Chuột túi má thường bị coi là động vật gây hại, nhưng chúng tôi cho rằng chúng sẽ giúp vận chuyển đất cũ lên bề mặt và đó là nơi sự phục hồi diễn ra", Allen nói thêm.

Các nhà khoa học đưa chuột túi má địa phương đến núi St Helens khoảng 2 năm sau vụ phun trào. Chúng được đặt trong các khu vực quây kín để thí nghiệm và dành một ngày để đào xới, đưa vi khuẩn và nấm có lợi lên bề mặt.

Dù công việc của chuột túi má chỉ diễn ra trong 24 giờ, tác động mang lại vẫn rất đáng kể. Sau 6 năm, có hơn 40.000 cây phát triển mạnh ở nơi chúng đào xới, trong khi vùng đất xung quanh phần lớn vẫn hoang tàn. Sau hơn 40 năm, nhóm nghiên cứu phát hiện chúng đã để lại "di sản" đáng kinh ngạc. "Những mảnh đất mà chuột túi má từng hoạt động có cộng đồng vi khuẩn và nấm đa dạng hơn so với các khu rừng già xung quanh", nhóm nghiên cứu giải thích.

Ngoài chuột túi má, một "ngôi sao" khác là nấm. Sau vụ phun trào, các nhà khoa học lo ngại rằng rừng cây thông và vân sam gần đó sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi, vì tro bụi phủ lên lá kim và gây rụng. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra nhờ có nấm.

"Những cây này có nấm rễ cộng sinh, chúng lấy chất dinh dưỡng từ lá kim rụng và giúp thúc đẩy cây phát triển lại nhanh chóng. Cây phục hồi gần như ngay lập tức ở một số nơi. Chúng không chết sạch như mọi người nghĩ", Emma Aronson, nhà vi sinh vật học môi trường tại UCR, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Cập nhật: 13/11/2024 VnExpress
  • 213