Dân nghèo Nepal đổi đời nhờ cung cấp loại cây bụi cho Nhật Bản làm giấy in tiền

  •  
  • 318

Một loại cây bụi mọc trên những sườn đồi Nepal nghèo khó đang cung cấp nguyên liệu thô để làm tiền giấy được sử dụng trong hệ thống tài chính phức tạp nhất châu Á.

Khung cảnh thật ngoạn mục ở góc phía Đông Nepal này, giữa những ngọn núi cao nhất thế giới và các đồn điền chè ở huyện Darjeeling của Ấn Độ, nơi những loài lan quý hiếm khoe sắc và những chú gấu trúc đỏ chơi đùa trên những sườn đồi tươi tốt.

 Cây argeli mọc hoang ở dãy Himalaya.
Cây argeli mọc hoang ở dãy Himalaya. Trước khi Nhật Bản bắt đầu mua nó để sản xuất tiền, công dụng chính của cây argeli ở Nepal là làm củi hoặc hàng rào. (Ảnh: NYT).

Nhưng cuộc sống con người thì vẫn có thể khó khăn. Động vật hoang dã phá hoại ngô và khoai tây của Pasang Sherpa, một nông dân sinh ra và lớn lên gần đỉnh Everest. Ông đã từ bỏ những loại cây đó cách đây khoảng chục năm và chuyển sang trồng một loại cây dường như không có giá trị mấy: argeli - một loại cây bụi hoa màu vàng vốn mọc hoang dã ở dãy Himalaya. Nông dân thường trồng nó để làm hàng rào hoặc củi.

Ban đầu, ông Pasang không hề biết rằng vỏ cây được bóc ra từ cây argeli của ông một ngày nào đó sẽ biến thành tiền. Đó là kết quả của một hoạt động buôn bán lạ thường: một trong những vùng nghèo nhất châu Á cung cấp nguyên liệu chính tạo ra tiền ở nền kinh tế giàu mạnh nhất.

Tiền yen Nhật Bản được in trên loại giấy đặc biệt mà ở trong nước không tự sản xuất được nữa. Người Nhật yêu thích những tờ tiền yên kiểu cũ và năm nay họ cần hàng núi tiền mới, vì vậy ông Pasang và những người hàng xóm có lý do béo bở để bám trụ trên sườn đồi của họ.

Pasang nói: “Tôi vốn chưa từng nghĩ những nguyên liệu thô này sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản hoặc tôi sẽ kiếm được tiền từ loài cây này. Còn bây giờ tôi thật hạnh phúc”.

 Các công nhân mà ông Pasang thuê để trồng và khai thác cây argeli.
Các công nhân mà ông Pasang thuê để trồng và khai thác cây argeli. (Ảnh: NYT).

Cách sân nhà của Pasang 4.500km, ở Osaka, công ty Kanpou Incorporated sản xuất loại giấy được chính phủ Nhật Bản sử dụng cho các mục đích chính thức. Một trong những hoạt động từ thiện của Kanpou là khảo sát các chân đồi của dãy Himalaya từ những năm 1990 để giúp nông dân địa phương đào giếng. Và tình cờ, họ đã tìm ra được giải pháp cho vấn đề của Nhật Bản.

Nguồn cung mitsumata, loại giấy truyền thống dùng để in tiền yen của Nhật Bản, đang cạn kiệt. Bột giấy làm ra nó được khai thác từ các loại cây thuộc họ Thymelaeaceae, mọc ở vùng cao, với lượng nắng vừa phải và ráo nước. Nhưng dân số nông thôn giảm và biến đổi khí hậu đang khiến nông dân Nhật Bản phải từ bỏ những mảnh đất trồng cây này.

 Tiền yen làm từ bột giấy khai thác từ các cây họ Thymelaeaceae.
Tiền yen làm từ bột giấy khai thác từ các cây họ Thymelaeaceae. (Ảnh: Mainichi).

Chủ tịch của Kanpou lúc đó biết rằng mitsumata có nguồn gốc từ dãy Himalaya. Sau nhiều năm thử nghiệm, công ty phát hiện ra rằng argeli, một cây cùng họ cứng hơn, mọc hoang dã đầy rẫy ở Nepal. Nông dân ở đây chỉ cần được hướng dẫn cách chăm sóc để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản.

Một cuộc cách mạng thầm lặng đã diễn ra sau khi trận động đất tàn phá phần lớn Nepal vào năm 2015. Người Nhật cử các chuyên gia đến thủ đô Kathmandu để giúp nông dân Nepal tham gia vào quy trình tạo ra những tờ tiền yen mát lạnh, cứng cáp.

Ban đầu, ông Pasang bắt tay vào kinh doanh và sản xuất 1,2 tấn vỏ cây mỗi năm, ông tự cắt vỏ cây và đun sôi trong thùng gỗ.

Nhưng sau đó, người Nhật dạy ông cách hấp vỏ cây bằng cách sử dụng các bó nhựa và ống kim loại. Tiếp theo là quá trình tước, đập, căng và sấy khô đầy vất vả. Người Nhật cũng hướng dẫn các nhà cung cấp Nepal của họ thu hoạch chỉ ba năm sau khi trồng, trước khi vỏ cây chuyển sang màu đỏ.

Công nhân tước vỏ cây argeli ở Nepal.
Công nhân tước vỏ cây argeli ở Nepal. (Ảnh: NYT).

Công nhân phơi vỏ cây argeli ở quận Ilam, miền Đông Nepal.
Công nhân phơi vỏ cây argeli ở quận Ilam, miền Đông Nepal. Cách xa hàng ngàn dặm, ở Nhật Bản, vỏ cây này sẽ được sử dụng để làm tiền giấy yên (Ảnh: NYT).

Năm nay, ông Pasang đã thuê 60 người Nepal địa phương tham gia xử lý vụ thu hoạch và kỳ vọng kiếm được 8 triệu rupee Nepal, tương đương 60.000 USD, tiền lãi. (Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập trung bình hàng năm ở Nepal là khoảng 1.340 USD.) Ông hy vọng sẽ sản xuất được 20 trong số 140 tấn nguyên liệu giấy mà Nepal sẽ vận chuyển sang Nhật Bản.

Đó là số mitsumata cần thiết để in số đồng yen đủ để lấp đầy khoảng 7 container hàng, xuôi dốc đến cảng Kolkata của Ấn Độ, rồi đi tàu 40 ngày tới Osaka.

Ông Shreshta, người thông thạo tiếng Nhật, cho biết: “Là một người Nepal, tôi cảm thấy tự hào khi quản lý nguyên liệu thô để in tiền của các nước giàu như Nhật Bản. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời đối với tôi.”

Đây cũng là thời điểm quan trọng đối với đồng yen Nhật. Cứ sau 20 năm, đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thế giới lại được thiết kế lại. Các tờ tiền hiện tại được in lần đầu tiên vào năm 2004 và những tờ tiền thay thế sẽ đến tay các nhân viên thu ngân vào tháng 7 tới.

Tờ tiền giấy mới mà Nhật Bản sẽ phát hành trong năm nay
Tờ tiền giấy mới mà Nhật Bản sẽ phát hành trong năm nay, được làm bằng giấy từ vỏ cây argeli. (Ảnh: Kyodo News/Getty Images).

Người Nhật yêu thích những tờ tiền đẹp mắt với thiết kế trang nhã, tinh tế bằng chất liệu moiré được in trên sợi thực vật dai, màu trắng nhạt thay vì cotton hoặc polymer.

Đồng yen cũng là một ngoại lệ ở châu Á. Chỉ có chưa đến 40% thanh toán ở Nhật Bản được xử lý bằng thẻ, mã hoặc điện thoại, trong khi ở Hàn Quốc, con số này là khoảng 94%. Ngay cả đối với đất nước Nhật Bản, nơi cuộc sống ngày càng ít hiện diện tiền mặt; giá trị tiền giấy đang lưu hành của nước này đã đạt đỉnh vào năm 2022.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản trấn an mọi người rằng, nếu đổi một tờ yen cũ lấy một tờ mới, họ vẫn đảm bảo đủ đồng tiền vật lý lưu thông. Các tờ tiền giấy nếu được xếp chồng lên nhau một chỗ sẽ cao 1.840km, tức là cao gấp 491 lần núi Phú Sĩ.

Cập nhật: 26/04/2024 Báo Tin tức
  • 318