Thỉnh thoảng, bé hay vẽ bậy lên tường hay bày bừa ra nhà. Bạn đừng vội mắng con vì hành động đó chưa hẳn là sự quậy phá mà đơn giản là bé hiếu động, tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh.
Nếu bị cha mẹ quát mắng vì những trò nghịch dại, bé sẽ trở nên nhút nhát, e dè với chính những hành động của mình. Ở lứa tuổi mẫu giáo, bé rất thích thể hiện suy tư, tài năng thông qua những nét vẽ nguyệch ngoạc, đầy màu sắc. Vì chưa hình thành ý thức rõ ràng nên bé có thể “tùy hứng” múa bút vào bất kỳ khoảng trống nào. Đó có thể là mảnh giấy trắng, chiếc bàn gỗ hay mảng tường trên nhà mình. Sự la hét của cha mẹ ngay lúc đó có thể cắt đứt nguồn sáng tạo của trẻ.
Thay vì mắng mỏ con cái, bạn nên dành một khoảng tường riêng trong gia đình cho trẻ tha hồ nghịch ngợm. Nếu con có phòng riêng, bạn nên tôn trọng quyền tự do để chúng làm gì mình thích.
Vốn có bản tính hiếu động, trẻ luôn đầy ắp ý tưởng sáng tạo trong đầu. Chúng có thể đổ đầy nước ra sàn nhà hay bôi vẽ những mảng đất sét lên khuôn mặt lấm lem, bê bết bùn đất. Căn nhà của bạn có thể trở nên tan tành chỉ sau vài phút rời mắt trẻ.
Nhưng nếu bạn càng cấm đoán, bé càng tỏ ra bảo thủ, không vâng lời.
Theo những nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em, nếu có được không gian nghịch ngợm của riêng mình, các bé sẽ trở nên nhanh nhạy, hoạt bát, thông minh hơn những em chỉ sống trong môi trường quá nghiêm túc, sạch sẽ.
Được tự do vui chơi với đám bạn bè trên hè phố sẽ tạo cho bé tính cách tự tin, bạo dạn trong những mối quan hệ ngoài xã hội. Thêm nữa, bé sẽ có sự hiểu biết hơn về cuộc sống quanh mình.
Nhiều bậc phụ huynh có quan niệm giáo dục, nuôi dưỡng con cái hết sức sai lầm. Họ thích “giam” con mình trong phòng kính với suy nghĩ môi trường gia đình luôn trong lành và an toàn nhất. Thực tế, cuộc sống “sạch sẽ” như thế chỉ giúp cơ thể và những bộ quần áo của trẻ thêm phần trắng trẻo, thơm tho, chứ không mang lại hiệu quả cao trong sự phát triển thể chất cũng như tinh thần trẻ.
Sống trong môi trường ấy, tất nhiên, trẻ sẽ bị kìm kẹp, quản lý mỗi khi bày ra những trò chơi của riêng mình. Vì thế, khả năng sáng tạo và cách vận dụng trí tưởng tượng trong mỗi trò chơi bị thu hẹp lại.
Một số cha mẹ đã tỏ vẻ lo lắng khi con cái họ có biểu hiện thích “trò chuyện một mình”. Họ sốt sắng đưa con đến trị liệu ở bác sĩ tâm lý và thử kiểm tra chỉ số thông minh của con. Kết quả đưa ra khá ổn thỏa, đứa bé không hề mắc chứng bệnh nào liên quan đến thần kinh và chỉ số IQ vẫn ở mức bình thường.
Thực tế, biểu hiện thích “nói chuyện một mình” không phải là hiếm gặp ở trẻ độ tuổi mẫu giáo hoặc cấp 1. Ở tuổi này, trẻ có khả năng tưởng tượng cao. Chúng có thể ngồi hàng giờ với những con búp bê, gấu bông và vô vàn món đồ chơi khác để cùng nhau chơi trò dạy học, bác sĩ, gia đình… Tự bản thân trẻ sẽ đóng vai cô giáo, bố mẹ, y tá… để trò chuyện với những nhân vật ấy. Chúng tự tưởng tượng ra khung cảnh, lời thoại và thích được diễn một mình như thế.
Với trẻ, đó là cả một thế giới với vô vàn màu sắc, nhân vật, chứ không phải chỉ có một mình như những gì người lớn nhìn vào. Sự liên tưởng và cách độc thoại ấy giúp trẻ kích thích khả năng tưởng tượng cũng như nâng cao vốn từ vựng, rèn luyện ngôn ngữ trong cách nói năng.
Những thứ đồ chơi của trẻ không cần phải đắt tiền hay quá to tát. Đó có thể chỉ là những que diêm, tờ giấy hay chai nước khoáng bằng nhựa đã sử dụng. Những thứ đồ tưởng chừng vô ích này sẽ kích thích khả năng sáng tạo của bé. Chúng sẽ tò mò xếp hình từ những que diêm hay tự xé giấy để tạo ra các thứ đồ chơi độc đáo.
Với thế giới trẻ thơ, được tự do sáng tạo, vui chơi chính là “liều thuốc vàng” cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Và bố mẹ nên hiểu, thương yêu con cái không phải là bó hẹp chúng trong bốn bức tường của gia đình. Trẻ chỉ thực sự khỏe mạnh, thông minh khi chúng được chăm sóc đúng cách và có một đời sống tinh thần phong phú.