Đào hố tìm lăng mộ vua Quang Trung sau hơn 200 năm

  •   33
  • 3.949

Bộ VH-TT&DL cho phép các nhà nghiên cứu đào năm hố thăm dò khảo cổ để hi vọng tìm được chính xác cung điện của vua Quang Trung hơn 200 năm trước.

Sau quá nhiều hội thảo khoa học với những tranh luận không dứt về lăng mộ vua Quang Trung, một cuộc thăm dò khảo cổ được tiến hành từ ngày 6-10 tại khu vực gò Dương Xuân, TP Huế.

Cuộc thăm dò khảo cổ này là mong mỏi, nguyện vọng của nhiều người dân VN, bởi đã qua hơn 200 năm kể từ khi vua Quang Trung băng hà (năm 1792), vẫn không rõ lăng mộ của vua nằm ở đâu. Nhiều cuộc tìm kiếm của người hậu thế kéo dài ròng rã suốt 75 năm qua.

Người công phu nhất là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế), ông đã bỏ ra hơn 30 năm để đi tìm.

Nghiên cứu của ông Xuân dựa trên thơ văn của hai vị cận thần của vua Quang Trung là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và ghi chép của những người Pháp vào thời điểm vua Quang Trung đang ở kinh đô Phú Xuân.

Mấu chốt của lập luận ông Xuân là câu: "Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta" (cung điện Đan Dương là nơi chôn cất thi hài của nhà vua) trong phần chú thích của bài thơ Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm.

Từ thông tin trong các tài liệu này, ông Xuân đi đến kết luận thứ nhất: có một cung điện tên là Đan Dương của Quang Trung vốn là phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn.

Người công phu nhất là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế), ông đã bỏ ra hơn 30 năm để đi tìm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (thứ ba từ trái sang) giới thiệu một hiện vật đã phát lộ trong khu vực cồn Bông Sứ gần chùa Thuyền Lâm - (Ảnh: Minh Tự).

Cung điện Đan Dương đó là nơi sống, làm việc của vua thời ở kinh đô Phú Xuân. Đây cũng là nơi chôn cất thi hài của vua khi băng hà (năm 1792), gọi là Đan Dương lăng.

Tiếp đó, ông Xuân tiến hành khảo sát thực địa tại khu vực ấp Bình An thuộc gò Dương Xuân, bao gồm khuôn viên chùa Thuyền Lâm (tức Thiền Lâm xưa) và khu vực xung quanh.

Tại đây, ông Xuân tìm thấy nhiều hiện vật gồm: bia đá, đá táng dùng kê các cột nhà, đá lát sàn, gạch vồ; các giếng được gọi là "giếng loạn"; các ngôi mộ được gọi là "mả loạn"...

Từ những kết quả nghiên cứu này, ông Xuân đi đến kết luận: cung điện Đan Dương nằm tại khu vực các chùa Thuyền Lâm (150 Điện Biên Phủ, Huế), chùa Vạn Phước, nay thuộc phường Trường An, TP Huế.

Quan điểm của ông Nguyễn Đắc Xuân nhận được sự ủng hộ của không ít nhà nghiên cứu, nhưng cũng có nhiều ý kiến chưa đồng tình, thậm chí phản bác kịch liệt.

Đỉnh điểm tranh luận là tại hội thảo Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế do tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức vào một năm trước (30/10/2015).

Trước tình hình này, GS Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN - cho rằng cần phải thực hiện ngay một cuộc khai quật khảo cổ học trên thực địa!

Ngày 15/4/2016, Hội Khoa học lịch sử VN gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức khai quật khảo cổ học khu vực có liên quan đến cung điện Đan Dương. Từ công văn đề nghị của UBND tỉnh này, Bộ VH-TT&DL cho phép thăm dò khảo cổ học khu vực gò Dương Xuân.

Cuộc thăm dò khảo cổ do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế thực hiện, dưới sự chủ trì của 
PGS.TS Bùi Văn Liêm - viện phó Viện Khảo cổ học.

Chiều 6/10, nhóm thăm dò khảo cổ bắt đầu nghi lễ động thổ với sự có mặt của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và các nhà sư chùa Thuyền Lâm. PGS.TS Bùi Văn Liêm cho biết quyết định của Bộ VH-TT&DL cho phép đào năm hố thăm dò khảo cổ với diện tích 22m2.

Trước mắt sẽ mở hai hoặc ba hố thăm dò trong khuôn viên chùa Thuyền Lâm và khu vực xung quanh. Dự kiến hôm nay 7/10, việc đào thám sát bắt đầu. Theo quyết định của Bộ VH-TT&DL, thời hạn thăm dò đến ngày 15/10.

Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, cho rằng: "Kết quả khảo cổ như thế nào thì cũng sẽ tìm được câu trả lời mà bao người mong đợi: đây có phải là cung điện Đan Dương của vua Quang Trung hay không?".

Cập nhật: 07/10/2016 Theo Tuổi Trẻ
  • 33
  • 3.949