Đầu tháng 10/2013, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Giang tiến hành khai quật khảo cổ di chỉ Sủa Cán Tỷ, thuộc thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ và đã phát hiện dấu tích người tiền sử thuộc thời kỳ đồ đá cũ ở Việt Nam.
Di chỉ Sủa Cán Tỷ nằm ngay cạnh Quốc lộ 4C (đường từ huyện Quản Bạ đi Yên Minh, thuộc khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn). Qua quá trình khai quật ba hố với tổng diện tích 100m2, độ sâu so với bề mặt đất là 1,1m và khảo sát khu vực xung quanh, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy dấu tích của người tiền sử và thu được gần 200 di vật, chủ yếu là công cụ lao động bằng đá như công cụ rìa ngang, rìa dọc; công cụ hình móng ngựa; công cụ rìa ở hai đầu, công cụ ghè hết một mặt quậy; công cụ mảnh, mảnh tước; công cụ mũi nhọn... được găm cạnh đường đi và các nương đá.
Theo tiến sỹ Nguyễn Trường Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam, hình thái và loại hình học của các công cụ cho thấy đây là nét đặc trưng của công cụ văn hóa Sơn Vi - một văn hóa khảo cổ học, thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam.
Qua nghiên cứu tổng thể các di vật khảo cổ, chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã cho rằng di chỉ Sủa Cán Tỷ là một địa điểm cư trú của người tiền sử.
Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng đất cổ, có lịch sử phát triển lâu đời với nhiều di tích và di vật đánh dấu những giai đoạn phát triển chính của lịch sử của đất nước, như các di tích thời đồ đá cũ, Sơ kỳ đồ đá mới, Hậu kỳ đồ đá mới, Sơ kỳ đồ kim khí và tiêu biểu nhất là những trống đồng thuộc thời kỳ đồ sắt sớm.