Chai nhựa sử dụng lại có thể chứa vi khuẩn gây hại và hạt vi nhựa, ngấm hóa chất vào đồ uống và ảnh hưởng môi trường.
Theo Brian Campbel, người sáng lập và chuyên gia chính về xử lý nước tại Water Filter Guru, lý do thuyết phục nhất để không tái sử dụng chai nước bằng nhựa là chúng có xu hướng chứa vi khuẩn gây hại. Ông lưu ý rằng khi mọi người vệ sinh chai nước để tái sử dụng, họ có thể không làm sạch chúng đúng cách, dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra, nhựa có thể bị nứt hoặc trầy xước nhỏ theo thời gian, tạo ra các khu vực cho vi khuẩn phát triển.
Nếu bạn tình cờ để chai nước của mình trong môi trường ấm hoặc nóng giữa các lần sử dụng, chẳng hạn như trong ôtô đầy nắng hoặc túi tập thể dục, vi khuẩn đã sinh sôi hơn nhiều lần. Những chai nước thực sự có thể tái sử dụng được thiết kế để phù hợp rửa sạch thường xuyên, vì vậy chúng sẽ không gây ra các vết trầy xước, vết lõm giúp vi khuẩn ẩn náu.
Các chai nước bằng nhựa khi tái sử dụng không tốt cho sức khỏe.
Campbel cho hay chai nước có thể được làm từ nhiều loại nhựa. Để biết chai của bạn được làm từ chất liệu gì, bạn có thể xem mã tái chế trên nhãn, bao gồm các số từ 1 đến 7. Ngày nay, hầu hết các chai nước sử dụng một lần sẽ được đánh dấu bằng 1, nghĩa là chúng được làm bằng polyetylen terephthalate (PET hoặc PETE). Mặc dù hai loại nhựa này không chứa hóa chất bisphenol A (BPA) và phthalate, đôi khi chúng có thể chứa antimon, một vật liệu bán kim loại được coi là chất gây ung thư.
Ngoài ra, các chai được dán nhãn mã tái chế mang các số khác có thể chứa các hóa chất bổ sung. Ví dụ, những chai được đánh số 7 được làm từ nhựa polycarbonate. Theo Trường Y tế Công cộng của Harvard, nhựa polycarbonate có chứa BPA - một chất hóa học có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe phát triển, sinh sản và trao đổi chất trong các nghiên cứu trên động vật.
Heather Wilde, một bác sĩ trị liệu tự nhiên ở Tempe, Arizona, cảnh báo chai nước dùng một lần cũng có thể khiến hạt vi nhựa bị ngấm vào đồ uống của bạn nếu bạn tái sử dụng chúng. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Frontiers in Chemistry đã xem xét các mẫu lấy từ 259 loại nước đóng chai và phát hiện ra 93% trong số các mẫu đó có dấu hiệu "ô nhiễm vi nhựa".
Mặc dù các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu tác động của việc ăn phải hạt vi nhựa, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Endocrine Reviews cho thấy tiêu thụ vi nhựa có thể phá vỡ hệ thống nội tiết, mạng lưới các tuyến tiết hormone và các cơ quan điều chỉnh quá trình trao đổi chất, sinh trưởng, phát triển, sinh sản... Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Frontiers in Environmental Science kết luận việc tiêu thụ vi nhựa có thể gây stress oxy hóa, nhiễm độc tế bào, nhiễm độc thần kinh và phá vỡ hệ thống miễn dịch.
Wilde tin nhiều người hiện tiêu thụ vi nhựa ở mức độ nguy hiểm và gợi ý rằng việc bỏ chai nước sử dụng một lần có thể giúp hạn chế vấn đề.
Từ góc độ môi trường, tốt nhất bạn nên bỏ qua việc mua các chai nước dùng một lần ngay từ đầu.
"Toàn bộ vòng đời của chai nước dùng một lần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, góp phần vào sự nóng lên toàn cầu, và gây ô nhiễm", Văn phòng Bền vững của Đại học Harvard khẳng định.
Cơ quan này nói thêm rằng mỗi năm, 17 triệu thùng dầu được sử dụng nhằm sản xuất đủ chai nước bằng nhựa để đáp ứng nhu cầu nước đóng chai hàng năm của Mỹ và 86% chai nước sử dụng một lần được đưa vào bãi rác hoặc dưới dạng rác thải.
Zeeshan Afzal, bác sĩ, nhân viên y tế của Welzo, nói tốt hơn hết là bạn nên mua một chai nước có thể tái sử dụng làm bằng thép không gỉ hoặc thủy tinh. Afzal nói: "Chai nước bằng nhựa là nguyên nhân chính gây ra rác thải nhựa và ô nhiễm, việc tái sử dụng chúng sẽ kéo dài chu trình này".