Đẻ non ảnh hưởng đến sức khỏe cả đời

  •  
  • 3.880

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Duke và các nhà khoa học Na-uy thực hiện với hơn một triệu đàn ông và phụ nữ, những ảnh hưởng đến sức khỏe của việc sinh thiếu tháng nghiêm trọng và liên quan đến cả tuổi trưởng thành nhiều hơn mọi người trước đây vẫn nghĩ.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm y tế Duke, sinh thiếu tháng gây ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe lâu dài, trong đó bao gồm khả năng học tập kém hơn, khả năng sinh sản thấp, con cháu trong tương lai cũng có thể bị sinh thiếu tháng và bị biến chứng.

Sinh thiếu tháng – sinh trước tuần 37 của thai kì – là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Nghiên cứu đã đưa ra được những dẫn chứng về các biến chứng ngắn hạn cũng như khả năng tàn tật lâu dài mà những trẻ đẻ non còn sống phải chịu đựng.

Một em bé sinh thiếu tháng (28 tuần tuổi) đưa bàn tay bé xíu của mình cho y tá tại NICU. (Ảnh: iStockphoto/ Christian Michael)

Tiến sĩ Geeta Swamy – chuyên gia y khoa bà mẹ và thai nhi tại Duke đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu – cho biết: “Khi em bé bị sinh thiếu tháng, chúng ta thường có xu hướng quan tâm đến những khả năng xảy ra biến chứng ngắn hạn nhiều hơn. Trong khi nguy cơ xảy ra biến chứng cao nhất vào thời điểm em bé nằm trong bệnh viện và năm đầu đời của bé. Những nguy cơ này thậm chí còn tiếp diễn đến cả khi bé trưởng thành. Em bé được sinh càng sớm thì nguy cơ càng cao. Những em bé được sinh quá sớm thì biến chứng sẽ theo chúng cả đời”.

Cộng tác với đồng nghiệp thuộc Viện y tế công cộng Na-uy, Swamy và các nhà nghiên cứu đồng hành tại Duke đã tìm hiểu sổ sách điều tra dân số quốc gia có kèm dữ liệu sinh – tử để nghiên cứu ảnh hưởng của việc đẻ non đến khả năng sống lâu dài, khả năng sinh sản và khả năng thế hệ sau cũng xuất hiện hiện tượng đẻ non. Điều tra dân số được tiến hành trong 20 năm từ năm 1967 đến năm 1988. Các ca sinh nở thường xảy ra vào tuần 22 hoặc từ sau tuần 22 đến tuần 37 của thai kì.

Nghiên cứu cho thấy: Những bé trai được sinh ra vào tuần 22 đến tuần 27 có tỉ lệ chết yểu cao nhất. Khả năng sinh sản ở những người đàn ông và phụ nữ bị đẻ non thấp hơn đáng kể so với những người được sinh ra đủ ngày đủ tháng. Khả năng sinh sản cũng tăng tỉ lệ thuận với tuổi thai. Phụ nữ bị sinh thiếu tháng cũng có khả năng sinh con thiếu tháng nhiều hơn và nguy cơ con cái họ có những hậu quả nghiêm trọng cũng cao hơn. Ở những người phụ nữ này khả năng chết yểu hoặc chết sớm cũng cao hơn.

Tuổi thai càng thấp thì khả năng học tập cũng thấp

Theo Swamy, tuổi thai có vai trò rất quan trọng đến tình trạng sức khỏe nói chung. Thường thì mọi người vẫn coi cân nặng lúc mới sinh là tiêu chuẩn để đánh giá đứa bé có khỏe hay không. Tuy nhiên, Swamy lại tin rằng tuổi thai mới là một tiêu chuẩn chính xác.

Bên cạnh đó, bà cho biết nghiên cứu cũng đặt ra một câu hỏi quan trọng về vấn đề hiệu quả lâu dài của việc chăm sóc trước và sau khi sinh. “Khả năng sống của trẻ đẻ non hiện đang được cải thiện do chúng ta đã có những can thiệp trong thai kì và chăm sóc sau khi sinh. Tuy nhiên có thể chúng ta đang tăng khả năng tồn tại nhưng lại gây ra những ảnh hưởng bất lợi đến tình trạng sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống trong một thời gian dài”.

Các nhà nghiên cứu tham gia vao gồm tiến sĩ Truls Ostbye thuộc trung tâm y tế Đại học Duke và tiến sĩ Rolv Skjaerven thuộc Đại học Bergen – Na-uy.

Tài liệu tham khảo JAMA. 2008;299[12]:1429-1436.

Trong một bài luận đi kèm trên tờ Journal of the American Medical Association, tiến sĩ Melissa M. Adams (thuộc cơ quan RTI quốc tế) và tiến sĩ Wanda D. Barfield (thuộc Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh dịch tại Atlanta) đã đưa ra lời bình luận về những kết luận của Swamy và đồng nghiệp.

“Hiện tại các bác sĩ có thể mang lại một chút lạc quan cho những gia đình có trẻ sinh thiếu tháng. Những phát hiện của Swamy đã cho thấy rằng khả năng tồn tại của trẻ sinh thiếu tháng có thể được cải thiện khi chúng trưởng thành. Tuy nhiên, so với những người trưởng thành cùng tuổi được sinh ra đủ ngày đủ tháng, số người bị sinh thiếu tháng có khả năng sinh sản lại thấp hơn. Những nguy cơ này cần phải được xem xét nghiêm túc và thận trọng do đa phần trẻ sinh thiếu tháng vẫn có sức khỏe và khả năng sinh sản tốt. Con số này ở Na-uy khả quan hơn so với Hoa Kì nơi chế độ phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại dai dẳng”.

“Do nguy cơ sức khỏe kém tồn tại suốt đời có thể tăng lên ở những người bị sinh thiếu tháng, các bệnh nhân cần phải thông báo với bác sĩ về tiền sử bị sinh thiếu tháng của mình. Thông tin này có thể giúp các bác sĩ nhận biết và điều trị những căn bệnh kinh niên ở trẻ em và người lớn. Rõ ràng là các dữ liệu điều tra dân số về vấn đề sinh thiếu tháng và những hậu quả lâu dài của nó đã cung cấp những lo ngại y tế chính đáng về tình trạng sức khỏe của cả một quốc gia trong tương lai”.

Bài viết tham khảo: JAMA. 2008;299[12]:1477-1478 

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 3.880