Đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được vệ tinh

  •   52
  • 1.239

Trung tâm vệ tinh quốc gia cho biết, đến năm 2020 vệ tinh cảm biến radar LOTUSat-2 sẽ do Việt Nam lắp ráp và sử dụng ở quy mô thương mại.

Theo lộ trình phát triển vệ tinh "made in Việt Nam", sau khi phóng thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg), Việt Nam sẽ tiếp tục phóng vệ tinh NanoDragon (10kg) năm 2016. Hai năm sau, MicroDragon (50kg) sẽ vào vũ trụ và tiếp đó là LOTUSat-2 (500kg) vào năm 2020.

"LOTUSat-2 là vệ tinh đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam và sẽ chính thức được thương mại, tức là ảnh của vệ tinh có thể được bán ra các nước trên thế giới", ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia (VNSC) nói tại Hội thảo "Tổng quan về công nghệ vệ tinh và ứng dụng" tổ chức ngày 10/9.

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được vệ tinh
Vệ tinh Pico Dragon phóng thành công ngày 4/8/2013 là bước chuẩn bị tiến tới mục tiêu nghiên cứu và phát triển vệ tinh riêng của Việt Nam. (Ảnh: JAXA)

Theo ông Tuấn, nếu hoàn thành lộ trình thì đến năm 2010, Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước đứng đầu khu vực ở lĩnh vực này, tương đương với Indonesia và Malaysia. Hiện các nước như Thái Lan, Lào... vẫn chưa phóng vệ tinh nào vào vũ trụ. Philippines chỉ có nhu cầu mua ảnh nước ngoài và không cần chế tạo vệ tinh; Singapore chủ yếu đi theo hướng thương mại chứ không ứng dụng.

Tiến sĩ Vũ Anh Tuân, Phó Giám đốc VNSC cho biết, vệ tinh viễn thám ở Việt Nam chủ yếu ứng dụng trong các lĩnh vực để quản lý tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, phục vụ phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Hệ thống sẽ đảm bảo việc quan sát trái đất trong trường hợp thảm họa khẩn cấp với mọi điều kiện thời tiết khí hậu; xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường.

Theo các chuyên gia, muốn chụp ảnh một khu vực nào đó thì phải đặt hàng, sau đó ít nhất hai ngày mới nhận được. Nếu Việt Nam có vệ tinh, mọi việc sẽ được hoàn tất chỉ trong vòng từ 6 đến 12 tiếng.

Năm ngoái, vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon vào vũ trụ ngày 4/8 trên con tàu vận tải HTV4 từ bệ phóng Yoshinobu ở Trung tâm Vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản. Vệ tinh được chế tạo với mục tiêu phục vụ đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, từng bước tiếp cận quy trình thiết kế, chế tạo, tích hợp, và thử nghiệm vệ tinh. Nó đã hoạt động trên quỹ đạo trong hơn ba tháng (từ 19/11/2013 đến 1/3 năm nay), và liên lạc thành công với các trạm mặt đất của VNSC và nhiều nước trên thế giới.

Tên đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Vnexpress
  • 52
  • 1.239