Di chỉ trên đường Kim Liên - Ô chợ Dừa thuộc đời Lý

  •  
  • 355

Sau khi mở 3 hố thám sát rộng 100 m2 trên đường mới Kim Liên-Ô chợ Dừa (Hà Nội), Viện Khảo cổ học xác nhận nơi đây là khu vực vua nhà Lý dựng đàn Xã Tắc tế lễ trời đất cầu cho mưa thuận gió hòa. Việc khai quật không ảnh hưởng tới thiết kế dự án làm đường, nhưng sẽ làm chậm tiến độ.

Các nhà khảo cổ học đang làm việc tại một trong 3 hố thám sát tại khu vực đàn Xã Tắc.

Các nhà khảo cổ học đang làm việc tại một trong 3 hố thám sát tại khu vực đàn Xã Tắc. (Ảnh: T.D)

Theo ông Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học, phụ trách thám sát, đầu tháng 11, theo yêu cầu của Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND thành phố Hà Nội, Viện đã thám sát khu di chỉ đàn Xã Tắc. Lớp đầu tiên xuất hiện một số vật liệu (chủ yếu là gạch, ngói) có niên đại sớm. Tuy nhiên, hiện chỉ có thể khẳng định đây là khu vực đàn Xã Tắc Thăng Long, được xây dựng từ đời vua thứ hai thời Lý, chứ chưa xác định chính xác vị trí đặt đàn.

Ông Kiên khẳng định việc thám sát đàn Xã Tắc được làm chủ động chứ không phải do đơn vị thi công phát hiện. Việc thám sát lần này nhằm khẳng định lại khu vực đặt đàn, bởi từ lâu nơi này đã được gọi là Xã Đàn.

Theo người dân sống trong khu vực, cái tên Xã Đàn bắt nguồn từ việc tại đây có đàn Xã Tắc lập từ năm Mậu Tý đời Vua Lý Thái Tông (năm 1048), để tế Hậu Thổ (thần Đất) và thần Nông (thần Ngũ cốc) - hai vị thần được coi là quan trọng nhất của xã hội nông nghiệp. Bốn mùa, nhà vua đều thân chinh chủ trì tế lễ để cầu được mùa.

"Từ xa xưa, không chỉ đối với người dân, mà ngay cả các vương triều, kinh đô VN và Trung Hoa, đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng thiêng liêng. Giữ gìn, bảo tồn đàn Xã Tắc cũng chính là giữ gìn Sơn hà Xã Tắc", giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết.

Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội Nguyễn Văn Khay cho biết, việc thám sát di chỉ đàn Xã Tắc sẽ không ảnh hưởng đến thiết kế của dự án Kim Liên - Ô chợ Dừa, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Thời gian thám sát hiện vẫn chưa xác định bởi theo các nhà khảo cổ học, diện tích khu đàn Xã Tắc này rất lớn.

Đàn Xã Tắc thời Nguyễn ở kinh đô được xây dựng năm Gia Long 5 (1806). Tất cả thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc là tượng trưng cho đất đai cả tổ quốc. Ý nghĩa của đàn Xã Tắc vì thế càng thêm thiêng liêng.

Đàn Xã Tắc được đắp lộ thiên, gồm hai tầng, hình vuông, mặt nhìn về hướng Bắc. Tầng trên cao 1,6 m, cạnh dài 28 m, mặt nền tô 5 màu theo nguyên tắc của Ngũ hành: giữa màu vàng, phía Đông màu xanh, phía Tây màu trắng, phía Nam màu đỏ, phía Bắc màu đen. Trên nền còn đặt 32 bệ đá để cắm tàn. Tầng dưới cao 1,2 m, cạnh dài 70 m, mặt nền phía trước lát gạch, hai bên có bệ để cắm tàn.

Cả tầng trên và tầng dưới đều có lan can gạch cao 1 m chạy xung quanh, chính giữa bốn mặt đều xây hệ thống bậc cấp để lên xuống. Mỗi khi tế Xã Tắc, lan can tầng trên được quét màu vàng, lan can tầng dưới được quét màu đỏ. Khi ấy, tầng trên đặt án thờ thần Đại Xã và Đại Tắc ở chính giữa. Đàn thờ thần Hậu Thổ, Càn Long thị và Hậu Tắc thị phối thờ ở hai bên.

Khuôn viên đàn Xã Tắc được giới hạn bằng một vòng tường gạch hình chữ nhật, cao 1,2 m, chiều Bắc-Nam hơn 160 m, chiều Đông-Tây hơn 200 m. Mặt Bắc tường trổ 3 cửa phường, các mặt còn lại chỉ trổ một cửa. Bên ngoài vòng tường, ở phía Nam có một bình phong gạch, dài 10 m, cao 3,7 m, dày 0,85 m, ở phía Bắc, ngoài vòng tường đào hồ vuông, bờ kè đá, cạnh dài 60 m.

Lễ tế ở đàn Xã Tắc được tổ chức hằng năm hai lần vào ngày Mậu của tháng trọng xuân và tháng trọng thu (tức tháng 2 và tháng 8 âm lịch).

Thời Nguyễn tính theo tầm quan trọng chia việc thờ cúng làm 3 loại: Đại tự, Trung tự và Tiểu tự. Lễ tế Xã Tắc được xếp vào hàng Đại tự và chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao. Năm Gia Long thứ 8 (1809) quy định, cứ 3 năm một lần, đích thân vua phải tham gia làm chủ tế một lần, còn lại phải cử đại thần tế thay. Hầu như tất cả các vị vua Nguyễn đều từng tham dự lễ tế quan trọng này.

Theo Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế

TIẾN DŨNG

Theo VnExpress
  • 355