Nhà nghiên cứu Richard Fitzpatrick “điều khiển” một người bịt mắt đang đi. (Ảnh: baocantho) |
Cùng với chuyên gia thần kinh Stefan Glasauer của Đại học Ludwig-Maximilians (Đức), Richard Fitzpatrick thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Prince of Wales đã thử nghiệm công nghệ GVS (galvanic vestibular stimulation) để điều khiển từ xa hướng đi của những người bị bịt mắt trong một công viên ở Sydney. GVS kiểm soát trạng thái thăng bằng và chuyển động của người đi bằng hệ thống điện trở được áp vào sau tai của họ.
Theo lý giải của các nhà khoa học, khi đi, chúng ta phải giữ cơ thể thăng bằng theo chiều đứng đồng thời phải di chuyển theo hướng đã định. Để thực hiện quá trình phức tạp này, não phải vận dụng thông tin từ các giác quan nghe - nhìn kết hợp với nhiều yếu tố khác. Nhưng khi đi lại với đôi mắt bị che khuất hoặc trong bóng tối, đôi tai là giác quan chủ chốt giữ thăng bằng cho cơ thể và bảo đảm đi đúng hướng.
Hiện nay, nhóm của Richard có thể điều khiển người bị bịt mắt đi lại một cách suôn sẻ mà không nghiêng ngã. Tuy nhiên, trở ngại duy nhất của GVS là khi đi qua lại các chướng ngại vật, để tránh nguy cơ té ngã, người được điều khiển phải chịu khó nghiêng đầu tới lui.
QUỐC CHÂU