Đối phó với biến đổi khí hậu năm 2050

  •  
  • 794

Một kiểu tị nạn mới bắt đầu xuất hiện và có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ: tị nạn môi trường. Vào khoảng năm 2050 sẽ có khoảng 200 triệu người tị nạn loại này.

Họ không lánh nạn bởi cảnh bạo lực, hoặc những vụ hành quyết mà vì cảnh màn trời chiếu đất mỗi khi ngập lụt. Họ là những người nghèo nhất thế giới phải rời bỏ quê hương vì những thay đổi khí hậu toàn cầu. 

- Vào năm 2050, sẽ có 200 triệu người phải rời bỏ chỗ ở.
- Mọi thành tựu chống nghèo đói sẽ trở thành vô nghĩa.
- Thấy trước những việc cần phải làm để đối phó với tình hình trái đất nóng lên.
- Phụ nữ Bangladesh chuyển từ nuôi gà sang nuôi vịt.
(Trích báo cáo của CARE, tổ chức nhân đạo chống nghèo khổ lớn nhất thế giới trình bày tại hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu sẽ họp vào tháng 12/2009)

Được biết thông qua những người tị nạn khí hậu, tổ chức nhân đạo CARE cảnh báo rằng những gì đạt được trong cuộc đấu tranh chống nghèo khổ sẽ trở nên vô nghĩa nếu không kết hợp với việc trợ giúp cho những cuộc di dân bắt buộc vì tai họa trái đất nóng lên. 

Charles Ehrhart, điều phối viên về biến đổi khí hậu đã giúp tác giả của bản báo cáo của CARE trình bày tại hội nghị ở Bonn, CHLB Đức tháng 6/2009 vừa qua. Tham dự hội nghị này có đại biểu của 184 quốc gia nhằm chuẩn bị một bản hiệp định về biến đổi khí hậu sẽ mang ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc vào tháng chạp năm nay tại Copenhagen, Đan Mạch.

Hội nghị thượng đỉnh này sẽ đưa ra một nghị quyết mới để đối phó với hiện tượng nóng lên của trái đất sau Nghị định thư Kyoto, với mục tiêu đi đến thoả thuận cắt giảm khí thải nhà kính giữa các nước công nghiệp phát triển cho đến năm 2012.

Ehrhart phát biểu tại hội nghị rằng, trong vài thập kỷ tới, những người dân có cuộc sống phụ thuộc vào sinh thái bị đe doạ nghiêm trọng. Họ buộc phải thực hiện những cuộc di cư lớn để sống còn. Ví dụ ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước biển có thể dâng lên tới 2 mét, hàng triệu hecta đất nông nghiệp sẽ bị nhấn chìm, chỉ còn lại một nửa so với trước. 

Những người dân sống trong cảnh tị nạn môi trường 
(Ảnh: care.org)

Sự biến đổi khí hậu sẽ làm những điều kiện sống vốn đã đầy căng thẳng và khó nhọc của những người tị nạn khí hậu, đặc biệt là những người dân nghèo nhất trở nên vô cùng tồi tệ. Điều trước tiên đối với họ là phải dựng lên được một nơi ở tạm gọi là thích nghi với khí hậu. Nghĩa vụ đạo lý bắt buộc các nước đang phát triển đề ra các chính sách kịp thời trước tình hình thay đổi khí hậu toàn cầu. 

Đôi khi những thay đổi tưởng như tầm thường lại có thể giúp được người dân đối phó được với tai họa tiềm tàng. Chẳng hạn tại các vùng thường xuyên ngập lụt, tổ chức CARE đã dạy cho người dân chuyển từ nuôi gà sang nuôi vịt. Tại những vùng khác lại cần chuyển đổi cả các giống cây trồng, từ những cây lương thực chỉ trồng trên cạn sẽ được thay thế bằng những cây trồng chịu nước hoặc ngược lại. Với các biện pháp ấy, dù khí hậu thay đổi thất thường, lụt hoặc hạn, người ta sẽ không bị mất trắng cả một vụ thu hoạch.

Tị nạn tại các vùng đất mới ở vùng sâu và xa hơn là chuyện vô cùng tốn kém. Nếu không có tiền và nguồn lực, những người tị nạn khí hậu buộc phải di chuyển từ nông thôn ra thành thị, tập trung ngày càng đông ở các thành thị vốn đã quá chật hẹp và lộn xộn. Tất cả những tình hình đó sẽ tạo sức ép lên chính quyền và có thể gây ra mất ổn định chính trị.

Koko Warner, Giám đốc Viện Môi trường và An ninh nhân loại thuộc ĐH Liên Hợp Quốc, một trong các tác giả chính của bản báo cáo cho rằng, một thách thức lớn là phải nắm bắt được thật chính xác diễn biến của hiện tượng biến đổi khí hậu, động thái của việc di dân và chuyển dời vùng sinh sống của con người liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Charles Ehrhart, điều phối viên về biến đổi khí hậu (Ảnh: care.org)

"Tư duy mới và cách tiếp cận thực tế rất cần thiết để sẵn sàng đón nhận và đối phó kịp thời với các tình huống mà những cuộc di dân do khí hậu đặt ra đối với an ninh và phúc lợi của con người”, Warner nói.

Đối với các chuyên gia về phát triển (xã hội) như Ehrhart, biến đổi khí hậu là một kẻ thù đáng sợ nhất, phải có chiến lược đối phó. Không ai muốn nhìn thấy những hy vọng của những người nghèo nhất thành vô vọng.

Tuấn Hà - Vietnamnet (Theo CNN.com)
  • 794