Một công ty Áo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo tại khu vực phía đông bắc Brazil vào cuối năm sau.
SAT, tên của công ty Áo, sẽ xây nhà máy trên một đồn điền mía ở bang Pernambuco của Brazil. Đồn điền này là nơi người ta sản xuất xăng ethanol từ mía. Chi phí cho việc xây nhà máy là 9,8 triệu USD, AFP đưa tin.
"Nhà máy của chúng tôi sẽ sản xuất 1,2 triệu lít nhiên liệu mỗi năm", Rafael Bianchini, giám đốc chi nhánh của SAT tại Brazil, phát biểu.
Mỗi cá thể tảo là một nhà máy sinh học nhỏ xíu. Chúng chuyển hóa CO2 và ánh nắng thành năng lượng bằng quá trình quang hợp. Hoạt động chuyển đổi của chúng hiệu quả đến nỗi trọng lượng của chúng có thể tăng gấp nhiều lần trong một ngày. Ngoài ra, trong quá trình quang hợp, tảo còn sản xuất ra dầu. Trên cùng một đơn vị diện tích, lượng dầu mà tảo tạo ra nhiều gấp 30 lần đậu nành. Các động cơ diesel có thể đốt cháy trực tiếp dầu tảo. Các nhà khoa học cũng có tinh chế thứ dầu này thành diesel sinh học.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Virginia (Mỹ) nhận thấy con người có thể tăng khả năng sản xuất dầu của tảo bằng cách cho chúng hấp thụ thêm CO2 (chất khí gây hiệu ứng nhà kính) và thả chúng vào các môi trường giàu chất hữu cơ (như nước thải). Giải pháp này vừa tạo ra nhiên liệu sinh học, vừa làm sạch môi trường.
Theo Rafael, nhà máy mới sẽ tận dụng khí carbon dioxide (CO2) thoát ra trong quá trình sản xuất xăng ethanol từ mía để tăng tốc độ quang hợp của tảo và giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường.
"Cứ một lít ethanol được tạo ra, con người lại giải phóng một kg khí CO2 vào khí quyển. Chúng tôi sẽ dùng lượng khí CO2 trong quá trình sản xuất ethanol vào nhà máy của chúng tôi", Bianchini nói.
Ban đầu nhà máy của SAT sẽ chỉ sử dụng 5% lượng khí CO2 trong quá trình sản xuất ethanol. Sau đó tỷ lệ này sẽ tăng dần theo thời gian.
Dự án của SAT sẽ được trình lên Cơ quan Dầu khí Quốc gia Brazil để giới chức phê chuẩn.
Brazil là nước đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ, về sản xuất nhiên liệu sinh học.