Giao thông - thủ phạm số 1 gây ô nhiễm không khí

  •  
  • 2.705

Ô nhiễm khói bụi ở các thành phố lớn tại Việt Nam vượt quá mức cho phép, trong đó giao thông là tác nhân lớn nhất.

Theo ông Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng phòng Kiểm soát không khí và nhập khẩu phế liệu, Tổng cục môi trường, chất lượng không khí ở đô thị Việt Nam đang ở bức báo động, nhất là tại các thành phố lớn.

"Các chỉ số ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội đã vượt quá quy chuẩn cho phép, như hàm lượng bụi cao hơn 1-2 lần, đặc biệt là tại các công trình xây dựng vượt chuẩn 5-6 lần. Các thông số khí khác như NO2, SO2 đang có xu hướng tăng lên", ông Đức dẫn chứng.

"Ô nhiễm không khí đô thị chủ yếu do giao thông gây ra, chiếm 60-70%, các nguồn khí thải như hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, xây dựng và hoạt động dân sinh chỉ chiếm tỷ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm", ông Đức nói thêm.

Các phương tiện tham gia giao thông trở thành nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm đô thị.
Các phương tiện tham gia giao thông trở thành nguyên
nhân chính gây ra ô nhiễm đô thị. (Ảnh: Lê Hiếu)

Ông Marc Cagnard, Giám đốc Cơ quan Thương mại Pháp (UBIFRANCE) đánh giá: "Hà Nội là thành phố có tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng thấp nhất châu Á, với 4 triệu phương tiện cá nhân. Đó là nguyên nhân của việc thường xuyên tắc đường và sự ô nhiễm nghiêm trọng của thành phố".

Để cải thiện môi trường không khí tại các đô thị, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ việc quy hoạch đô thị với vấn đề giao thông, tăng cường phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên không và các hình thức giao thông không gây ô nhiễm.

"Các đô thị cần phải xem việc phát triển phương tiện vận chuyển công cộng như là trọng tâm để giảm nguy cơ tắc nghẽn và ô nhiễm giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân, thu phí môi trường đối với các phương tiện", ông Bernard Favre - giám đốc Quốc tế doanh nghiệp chuyên về phần mềm và hệ thống mô phỏng chất lượng không khí (ARIA Technologies) đề xuất.

Theo nghiên cứu vừa công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp và ảnh hưởng tới sức khỏe.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết, môi trường không khí của hầu hết các khu vực trong thành phố đều bị ô nhiễm bụi, nguyên nhân chính là do các phương tiện giao thông gây ra.

Chuyên gia này cảnh báo, không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Không khí bẩn và các hạt nhỏ gây nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, bệnh về phổi. Không khí bẩn cũng là tác nhân tạo ra tỷ lệ mắc bệnh về tai, mắt và da cao hơn.

Hội thảo về cải thiện chất lượng không khí và giao thông đô thị sẽ được tổ chức ngày mai, nhằm giới thiệu mạng lưới các trạm đo đạc ô nhiễm không khí hiện nay ở Hà Nội và chất lượng không khí trong thành phố, mô tả mạng lưới giao thông đô thị trong tương lai, giới thiệu những hệ thống dự đoán chất lượng không khí dựa trên mô phỏng đã được sử dụng ở những thành phố lớn trên thế giới.

Theo VNE
  • 2.705