* Đồng Tháp: Gia cầm tái đàn gần biên giới tăng vọt
Đầu năm 2007, cuộc chiến phòng chống cúm gia cầm (CGC) đang vào hồi nóng. Nhiều khẩu ngữ “chống dịch như chống bão” hay “chống dịch như chống lửa”... đã cho thấy mức độ cấp bách và tầm quan trọng trong phòng chống CGC ở Đồng bằng sông Cửu Long. Song, bên cạnh những giải pháp quyết liệt dập dịch CGC, chúng ta cần có những biện pháp phòng vệ tích cực bảo đảm an toàn đàn gia cầm hàng chục triệu con ở Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Cán bộ thú y khẩn trương tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh (Ảnh: SGGP) |
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Anh Lộc cho biết, đến ngày 2/1 tỉnh Bạc Liêu đã có 14 xã của 5 huyện xuất hiện dịch CGC.
Trong đó, 3 huyện mới bùng phát dịch là Phước Long, Giá Rai và Vĩnh Lợi. Đến thời điểm này Bạc Liêu đã có trên 30 hộ có gia cầm bị bệnh chết với tổng số gia cầm chết và buộc phải tiêu hủy trên 14.000 con.
Hầu như các ổ dịch được phát hiện trước đây ở Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang đều trên đàn vịt.
Tuy nhiên, ổ dịch được phát hiện và ghi nhận nhiễm CGC tại Vị Thủy, Hậu Giang cách đây 2 ngày (ngày 1/1) được xem là một diễn biến mới và đáng lo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, khi xảy ra trong một gia đình nuôi 34 con gà nhiễm CGC. Đáng quan ngại hơn, hai địa phương phát hiện CGC ở Hậu Giang là Long Mỹ và Vị Thủy là hai nơi có 4 ca tử vong do CGC năm 2004 - 2005.
Chiều 2/1, ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hậu Giang, phân tích: Chúng tôi gần như loại trừ sự phát tán ổ CGC từ Long Mỹ sang Vị Thủy. Nguyên nhân dẫn đến ổ CGC trên gà ở Vị Thủy có thể do phân chim di trú lây nhiễm; hoặc do đây là gia cầm chưa tiêm phòng nên gặp mầm bệnh dễ nhiễm...
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết: Trong ngày 2/1, Hậu Giang không phát hiện thêm ổ dịch CGC nào mới. Từ ngày 3 đến 10/1 sẽ tiêm phòng bổ sung dứt điểm cho 600.000 con gia cầm mới tái đàn. Riêng đàn gia cầm Long Mỹ (phát sinh ổ CGC đầu tiên ở Hậu Giang), đã tiêm được 15.000 liều vaccine.
Sự phát tán lây lan nhanh đã được dự báo vì đàn vịt nuôi chạy đồng sẽ nhanh chóng phát tán mầm bệnh trên diện rộng. Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng: Phòng chống CGC trên đàn vịt chạy đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long là khó khăn nhất. Cách nuôi “
chạy đồng” thả lan lên ruộng gần như là thói quen “
độc nhất vô nhị”.
Nó cũng là vấn đề làm đau đầu các cấp lãnh đạo ngành nông nghiệp.
“Tỉnh An Giang đã khóa chặt và đóng cửa đối với gia cầm qua lại với biên giới Campuchia” – ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thông báo.
Theo ông, việc chốt chặn đàn vịt chạy đồng qua lại khu vực biên giới thuận lợi, vì nông dân gần như đã xuống giống xong lúa đông-xuân, tạo nên thảm xanh cản bước vịt chạy đồng.
Tại Đồng Tháp, tuy năm 2006, CGC không xảy ra nhưng nguy cơ xảy ra CGC trong năm 2007 rất cao. Nguyên nhân do hàng trăm hộ dân sống dọc hai huyện biên giới Tân Hồng và Hồng Ngự (giáp Campuchia) tái đàn hàng trăm ngàn thủy cầm 20 - 30 ngày tuổi, chuẩn bị chạy đồng khi thu hoạch xong vụ đông-xuân sớm. Trong khi đó, chính quyền cơ sở không thể kiểm soát.
Việc buôn bán, giết mổ không tập trung rất phổ biến, khó kiểm soát; vịt chạy đồng tràn lan; công tác tiêm phòng vaccine cúm gia cầm năm 2006 chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu…
Một thực tế là lâu nay các địa phương cứ tuân thủ lấy lệ chuyện cấm ấp nở gia cầm mới, nên thiếu kiểm soát chặt chẽ. Hệ lụy tất yếu của nó: Người nuôi gia cầm mới được xem như nuôi “lậu”, vì thế họ phải trốn tránh tiêm phòng nếu không muốn bị tiêu hủy gia cầm!? Và lỗ hổng này gần như là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát hàng loạt ổ CGC ở Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Trước thực tế này, tỉnh An Giang đang
khẩn trương triển khai 5 biện pháp cấp bách phòng chống CGC: Tăng cường truyền thông; vệ sinh tiêu độc khử trùng; tiêm phòng đàn gia cầm; kiểm soát giết mổ và quản lý các sản phẩm gia cầm; hỗ trợ mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Trong đó, sẽ quản lý chặt và tiêm phòng gia cầm mới ấp nở tại lò. Đây được xem là biện pháp bịt lỗ hổng ngay từ đầu ra gia cầm. Tuy nhiên, cần phải tính đến các trường hợp người dân nuôi và ấp nở gia cầm tại nhà! Ông Huỳnh Thế Năng cho rằng: Việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học là rất quan trọng.
Trước mắt, để nhanh chóng khống chế triệt để CGC, cần hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề chăn nuôi vịt chạy đồng sang nghề khác; tiến tới mở rộng các mô hình chăn nuôi sinh học an toàn để khôi phục và phát triển bền vững đàn gia cầm tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Các địa phương thừa nhận mạng lưới cán bộ ngành còn quá mỏng và yếu; việc kiện toàn và bổ sung lực lượng thú y ở cơ sở là cấp bách. Cán bộ thú y là lực lượng nòng cốt trong công tác dập dịch CGC. Công việc của họ vào mùa CGC gần như quá tải.
Trong hai năm qua, rất nhiều người làm việc luôn trong dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, Kiên Giang và An Giang còn trên 40 xã chưa có cán bộ thú y. Trong khi đó, các trạm thú y cấp huyện đều thiếu 1 - 3 cán bộ. Tỉnh An Giang sẽ bổ sung ngay 4 cán bộ thú y về xã còn trống cán bộ, đồng thời tăng cường thêm 2 - 3 cán bộ/Trạm Thú y huyện để phòng chống CGC.
Cách làm của An Giang cũng là những giải pháp căn cơ để “
phòng vệ” và bịt các lỗ hổng trong phòng chống CGC hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Chi cục Thú y Cà Mau, trong ngày 2/1, tỉnh không phát hiện thêm đàn vịt nào bị chết. Đây được xem là ngày đầu tiên, sau 20 ngày Cà Mau không phát hiện gia cầm chết. Hiện còn 9 mẫu huyết thanh đang chờ kết quả xét nghiệm, thuộc 8 xã, 4 huyện, trong đó có cả hai huyện chưa phát dịch là Phú Tân và Cái Nước. Ông Huỳnh Trung Kiên, Quyền Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, cho biết: 4/5 bệnh nhân bị nghi nhiễm CGC đã xuất viện vào chiều 2/1. Bốn bệnh nhân này là: Đỗ Thị Hòa, 37 tuổi; Nguyễn Phương Đông, 13 tuổi; Nguyễn Văn Tỷ, 7 tuổi và Nguyễn Đăng Phú, 3 tuổi - cùng một gia đình ở xã Lâm Hải, huyện Năm Căn. Bệnh nhân còn lại là ông Trương Thanh Long, 73 tuổi, ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (nhập viện hôm 27-12-2006) đã hồi phục sức khỏe. Trước đó, tất cả bệnh nhân trên đều có kết quả xét nghiệm âm tính với cúm A (H5N1). |