Dù các nhà khoa học chưa thể dự báo chính xác thời điểm các trận động đất sẽ xảy ra, song họ đã biết trước những cơn chấn động tại Chile vào cuối tuần trước.
Người dân Chile an ủi nhau gần một tòa nhà sụp đổ trong trận động đất ngày 27/2 tại thành phố Talca. Ảnh: Reuters. |
Người dân ngủ ngoài đường phố tại thành phố Valparaiso, Chile vì sợ dư chấn. Ảnh: Reuters.
Trận động đất tại Chile vào ngày 27/2 xảy ra tại một trong những đường phay (đường đứt gãy) nguy hiểm nhất trong khu vực Thái Bình Dương. Nguyên nhân của nó là sự dịch chuyển của mảng kiến tạo Nazca bên dưới mảng kiến tạo Nam Mỹ. Mảng kiến tạo Nazca nằm sâu dưới Thái Bình Dương, còn mảng kiến tạo Nam Mỹ đang tiến về phía nam. Ranh giới giữa hai mảng kiến tạo được gọi là đường phay. Khi hai mảng đột ngột cọ xát với nhau, một cơn địa chấn sẽ xuất hiện dọc theo đường phay có chiều dài khoảng 640 km này. Với cường độ 8,8 độ Richter, trận động đất tại Chile mạnh gấp gần 1.000 lần so với cơn địa chấn tại Haiti hồi tháng 1, theo đánh giá của một số nhà khoa học.
Chile đã chứng kiến nhiều trận động đất. Năm 1960, một cơn địa chấn có cường độ 9,5 độ Richter đã xảy ra tại thành phố Valdivia, giết chết gần 2.000 người. Đây là trận động đất mạnh nhất mà con người đo được bằng thiết bị khoa học. Vào ngày 27/2 người dân Chile trải qua trận động đất mạnh nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Kể từ năm 1973 tới nay Chile đã chứng kiến 13 cơn địa chấn có cường độ từ 7 độ Richter trở lên. Thực tế đó giải thích tại sao những quy định về xây dựng tại Chile khắt khe hơn nhiều so với Haiti. Chính những quy định nghiêm ngặt ấy giúp Chile giảm thiểu số lượng người tử vong mỗi khi động đất xuất hiện.