Dự án thiên niên kỷ - du lịch xuyên tâm quả đất

  •  
  • 1.700

LBL

50 năm trước đây, khi người Mỹ đi bước đầu tiên lên mặt trăng cũng là lúc các nhà khoa học địa chất bắt tay vào "Dự án Apollo ngược" - đi xuyên qua quả đất để tìm hiểu về ngôi nhà chung của nhân loại.

Cho tới nay, những mũi khoan hiện đại nhất của nền văn minh loài người cũng chỉ "gãi" sơ sơ trên bề mặt địa tầng thứ nhất của vỏ trái đất với độ sâu vào khoảng 2,5 km. Người Nhật tuyên bố họ đã vượt qua được giới hạn kỹ thuật để có thể đưa mũi khoan xuống độ sâu 7 km. Thành công này đã quy tụ hàng trăm nhà khoa học quốc tế của Nhật, Mỹ, Trung Quốc và 15 quốc gia khác hội tụ trong một dự án thế kỷ "Du lịch xuyên lòng đất".

Phương tiện cho hành trình vĩ đại này là con tàu Tikiu có khả năng khoan sâu xuống lòng đất một độ sâu gấp 3 so với các dàn khoan hiện đại nhất của thế giới hiện sử dụng.

Vai trò của người Nhật trong dự án này cũng giống như người Mỹ trong trạm vũ trụ quốc tế, bởi ngoài những mục tiêu như các nước khác đang theo đuổi, họ khát khao muốn biết được những gì sẽ xảy ra dưới nền đất của xứ Phù tang trong tương lai gần nhất và xa nhất.

Nhật Bản hiện nằm trên giao điểm của 4 mảng trượt địa tầng nguy hiểm nhất thế giới - nơi thu hút tới 20% số lượng các cơn động đất toàn cầu. Còn Tokyo là một thành phố nguy hiểm nhất trên hành tinh này bởi nó nằm trong vùng địa tầng bất ổn nhất với những trận động đất xuất hiện bất thần và liên tục.

Theo kế hoạch vào tháng 9/2007, tàu Tikiu sẽ thực hiện mũi khoan đầu tiên tại khu vực biển Thái Bình Dương, cách Tokyo 600 km về phía tây nam. Đây là điểm nóng về địa chấn và thường xuyên xuất hiện các trận động đất lên tới 8 độ Richter. Tiếp theo, Tikiu sẽ thực hiện mũi khoan thứ 2 tại vùng biển Sumatra của Indonesia - nơi bùng phát cơn sóng thần vào năm trước gây nên thảm hoạ cho một loạt nước Đông Nam Á.

Cho dù con người trong thập niên này chỉ mới đi sâu vào lòng đất chừng ấy km, song thông tin thu được trong hàng lớp địa tầng như vậy cũng giúp con người thấu hiểu được cuộc sống mà ta có hôm nay từ đâu tới, tại sao chúng ta chỉ có duy nhất một mặt trăng, vì sao khủng long lẫn voi mamút bị tuyệt diệt, và rất nhiều câu hỏi khác nữa. Những bước chân đầu tiên như thế xuống lòng đất tuy nhỏ nhoi song là điểm xuất phát không thể thiếu được để con cháu mai sau tiếp tục đến cùng cuộc hành trình về tâm của trái đất.

Theo KH&ĐS/Japan Times
  • 1.700