Chứng lở rộp môi thường tăng lên khi trời trở lạnh, cơ thể mệt mỏi; thủ phạm chính là virus herpes. Việc tái sử dụng khăn ướp lạnh tại các quán ăn, nhà hàng để lau mặt là một trong những nguyên nhân làm lây virus này.
Chứng lở miệng do virus herpes simplex nhóm 1 gây ra (nhóm 2 gây mụn rộp sinh dục). Chúng tạo nên những chùm mụn nước nhỏ ở trên các môi, đôi khi lan xuống cằm hay lên mũi hoặc hai má. Sự lây nhiễm xảy ra khi có tiếp xúc với người đã bị nhiễm virus herpes. Tổn thương thường xuất hiện ở môi, vì môi là nơi thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh (qua hôn hít, lau khăn...) và niêm mạc môi mỏng khiến virus dễ xâm nhập các tế bào biểu mô hơn.
Một đợt bệnh điển hình kéo dài khoảng 1-3 tuần. Khoảng 80% dân số có mang virus herpes trong người, nhưng chỉ khoảng 1/4 số đó có triệu chứng lâm sàng và bị tái phát. Một số người chỉ xuất hiện triệu chứng sau nhiều tháng hay nhiều năm nhiễm virus, khi mà cơ thể bị giảm sức đề kháng toàn thân hay chấn thương ở vùng môi miệng. Virus herpes sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể, tồn trú trong các hạch thần kinh và có thể khởi phát bệnh khi có yếu tố thuận lợi, bao gồm:
- Tổn thương ở môi (khô, nứt môi, chấn thương).
- Chấn thương răng-miệng (nhổ, trám răng).
- Sốt, cảm cúm, các bệnh nhiễm trùng (như viêm đường hô hấp trên).
- Kinh nguyệt, có thai.
- Suy nhược cơ thể, căng thẳng tinh thần, chấn thương thể chất.
- Giảm sức đề kháng, giảm miễn dịch (AIDS, ung thư).
Bệnh khởi đầu với các triệu chứng báo hiệu ở môi như nóng rát, ngứa. Sau 12-24 giờ, xuất hiện những chùm mụn nước nhỏ li ti bằng đầu tăm trên nền da sưng đỏ ở trên hay quanh viền bờ môi (đôi khi có thể ở miệng, cằm, mũi, 2 má…). Có cảm giác đau, rát ở vùng có sang thương. Những mụn nước này chứa dịch huyết thanh và sẽ chảy ra ngoài khi bị vỡ, rất dễ lây nhiễm cho những người khác. Trong thời gian này, các hạch cổ, dưới hàm có thể sưng to, đau và thường kèm các triệu chứng giống cảm cúm như sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, khó ăn uống…
Sau khoảng 1-2 tuần, các mụn nước sẽ tự khô đi (nếu không bị làm vỡ), đóng mày và sẽ lành nhanh chóng mà không để lại sẹo. Các mụn nước bị vỡ sẽ tạo thành các vết loét hay vết trượt, rồi cũng đóng mày và lành sau 10 ngày; nhưng chúng dễ bị bội nhiễm vi trùng và gây lây lan virus herpes nhiều hơn.
Lở môi do herpes rất dễ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp khi vẫn còn các sang thương. Vì vậy, để tránh lây nhiễm, cần:
Không chạm vùng có sang thương của mình vào người khác, như: hôn hít, sờ, chạm.
Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn lau mặt, ly uống nước, chén-đũa-muỗng, son môi, phấn trang điểm và “khăn ướp lạnh”…
Rửa tay sau khi thoa thuốc.
Không sờ lên mắt.
Cẩn thận khi trang điểm và tẩy trang. Không nên cố gắng dùng cream hay phấn trang điểm để che đi những mụn rộp hay vết lở vì sẽ dễ bị bội nhiễm vi trùng.
Vết lở sẽ không còn gây lây nhiễm khi đã lành hoàn toàn và vùng da bị ảnh hưởng đã trở về bình thuờng.
Cách chăm sóc và điều trị tại nhà
Trong đa số trường hợp, các tổn thương đóng mày và tự khỏi trong khoảng 2 tuần. Vì vậy, điều trị tại nhà đóng vai trò quan trọng. Vần súc miệng bằng nước muối pha loãng để để làm sạch, êm dịu vết thương và giảm nguy cơ bội nhiễm vi trùng.
Thuốc thoa tại chỗ: Các loại thuốc màu (như Milian, Povidine) ngừa bội nhiễm, khô nhanh các vết trượt-lở. Bôi kem giảm đau Xylocaine và kem diệt virus (Acyclovir 5% hay Penciclovir 1%).
Cần giảm căng thẳng, lo âu; tăng cường dinh dưỡng, nâng cao tổng trạng. Tránh các loại thức ăn có nhiều arginine (một amino acid cần cho chu kỳ tái sinh của herpes) như dừa, đậu nành, đậu phụng, chocolate, cà-rốt… Nên ăn các loại thực phẩm mềm và nhạt như rau quả, trái cây, giá, thịt bò, cá, gà, pho-mát… để tránh kích thích các vết lở và các vùng da nhạy cảm xung quanh.
Nếu bệnh kéo dài, lan rộng, có biến chứng hoặc xảy ra ở những bệnh nhân đặc biệt (sơ sinh, thai phụ, bệnh nhân AIDS, bệnh nhân ghép nội tạng), cần có sự theo dõi của bác sĩ và dùng thuốc diệt virus (acyclovir, valacyclovir, famciclovir). Thuốc sẽ giúp giảm độ trầm trọng các triệu chứng, rút ngắn thời gian của bệnh và giảm tái phát. Dùng thuốc càng sớm càng tốt trong những trường hợp này (khi có triệu chứng báo hiệu).
Ở những bệnh nhân có ít nhất 6 đợt tái phát/năm, phải loại bỏ các yếu tố thuận lợi gây khởi phát và uống thuốc diệt virus thường xuyên, liên tục. Ngưng điều trị nếu chỉ còn ít hơn 2 đợt/năm.
Herpes gây nhiều biến chứng
Viêm nướu răng - miệng cấp tính, thường xảy ra ở trẻ em từ 1-5 tuổi.
Nhiễm herpes dạng chàm: Thường gặp ở những bệnh nhân đã có các bệnh ngoài da trước đó như: Viêm da thể tạng, bệnh darier, pemphigus, viêm da mãn tính.
Phát ban dạng thủy đậu: Là dạng nhiễm virus herpes ngoài da nhưng lan rộng và có dạng chốc lở. Khởi phát đột ngột các triệu chứng: sốt, ớn lạnh, khó chịu và những chùm mụn nước xuất hiện ở những vùng da bất thường. Các sang thương hình thành trong 7-10 ngày, lan rộng và kết nối nhau thành những mảng loét trượt rộng hơn. Sau đó bị bội nhiễm vi trùng Staphylococcus hay Streptococcus.
Viêm giác mạc - kết mạc: Đau, xốn, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Nếu không sớm điều trị, bệnh có thể dẫn đến mù lòa vì gây ra những vết loét ở giác mạc, kết mạc. Cần phải khám ngay với bác sĩ nhãn khoa nếu nghi ngờ nhiễm herpes ở mắt.
Viêm não - màng não dạng herpes cấp tính: Là biến chứng thường gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Nhiễm herpes qua đường tiêm chích: Là 1 nguy cơ nghề nghiệp của các bác sĩ, nha sĩ, y tá khi tiếp xúc với các bệnh nhân bị nhiễm herpes. Biểu hiện là các triệu chứng nhiễm virus herpes ở ngón tay. Cần lưu ý phân biệt với những chẩn đoán nhiễm trùng quanh móng (chín mé) ở những đối tượng này.
Hồng ban đa dạng: Là tình trạng phát ban đối xứng, thường ở tay, chân và sang thương xuất hiện ở nhiều dạng (dát, sẩn, mảng…) chứ không chỉ mụn nước. Bệnh có thể tái phát thành từng đợt và kéo dài trong 2-3 tuần.