Khi ngồi trên máy bay, phản ứng của cơ thể con người là không thể đoán trước bởi chúng ta ở độ cao lớn và áp suất trong cabin thay đổi. Trong nhiều trường hợp, hành khách cảm thấy khó chịu đột ngột cần sự trợ giúp từ phi hành đoàn và bác sĩ. Lúc này, cơ trưởng sẽ phát thông báo và hỏi xem có hành khách nào là bác sĩ hoặc nhân viên điều dưỡng hay không, đồng thời đề nghị sự hỗ trợ từ họ.
Chắc hẳn nhiều người từng tự hỏi, vì sao không máy bay nào có bác sĩ, dù các sự cố về sức khỏe có nhiều nguy cơ xảy ra, việc hạ cánh để đưa hành khách bị ốm đến bệnh viện thực sự khó khăn và sự có mặt kịp thời của người có chuyên môn y khoa là vô cùng cần thiết?
Vì sao không máy bay nào có bác sĩ và phi hành đoàn luôn phải hỏi trong số hành khách có ai là nhân viên y tế hay không? (Ảnh: Live and Let's Fly)
Câu trả lời là: Sự có mặt của bác sĩ trên máy bay không phải điều bắt buộc, do đó thành viên phi hành đoàn không bao gồm bác sĩ.
Theo trang Ouest France , các hãng hàng không không có nghĩa vụ đưa nhân viên y tế lên chuyến bay, dù là chặng ngắn hay dài. Mặt khác, phi hành đoàn và phi công bay ở châu Âu phải được đào tạo sơ cứu cơ bản.
Kể từ tháng 7 năm 2008, các tiếp viên hàng không (tiếp viên thương mại) ở châu Âu phải có CFS - chứng chỉ huấn luyện an toàn. Họ phải theo học tối thiểu 100 giờ đào tạo lý thuyết và 35 giờ đào tạo thực hành. Để có chứng chỉ này, họ phải học một phần riêng về “các khía cạnh y tế và sơ cứu”.
Nhiều quốc gia khác áp đặt các quy định riêng trong lĩnh vực này. Ví dụ, ở Canada, phi hành đoàn được đào tạo về sơ cứu và họ phải tái đào tạo hàng năm.
Ở Anh, tiếp viên của hãng hàng không quốc gia được hướng dẫn cách trấn an hành khách bằng một giọng điềm tĩnh nhưng vẫn đủ uy lực trong trường hợp sự cố xảy ra. Ngoài ra, khi trải qua khóa đào tạo y tế của hãng, tất cả nhân viên đều nắm được những nội dung cơ bản và cần thiết như: Sử dụng máy khử rung tim, hô hấp nhân tạo khi có người bị ngạt thở, đỡ đẻ và cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh khi có ca “đẻ rơi” trên máy bay.
Ở Việt Nam, đội ngũ tiếp viên cũng được đào tạo một khóa y tế tương tự. Thậm chí, một số nhân viên còn được cấp chứng chỉ sử dụng máy khử rung tim khi cần thiết. Ngoài ra, tất cả các hãng hàng không đều đào tạo thành viên phi hành đoàn kỹ thuật sơ cứu hồi sức tim phổi (CPR), đỡ đẻ, sơ cứu các bệnh lý thường gặp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, động kinh hay bỏng.
Không máy bay nào có bác sĩ nhưng phi hành đoàn đều được đào tạo sơ cứu cơ bản để biết cách ứng phó với những trường hợp khẩn cấp. (Ảnh: CabinCrew24)
Do phi hành đoàn được đào tạo một số kỹ năng về y tế nên trong chuyến bay, họ có thể sơ cứu cho hành khách, chẳng hạn như hồi sức hoặc cố định chi bị gãy, băng bó vết thương hoặc hỗ trợ những trường hợp đau dạ dày.
Cơ trưởng và tiếp viên có khả năng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra trên chuyến bay, phần lớn là lành tính và liên quan đến áp suất trong cabin hoặc căng thẳng khi di chuyển (các vấn đề về tai mũi họng, đau dạ dày...).
Phi hành đoàn phải đảm bảo có sẵn thiết bị y tế trên máy bay trước khi cất cánh. Một bộ sơ cứu gồm bông, băng, thuốc có sẵn không cần đơn (chẳng hạn như thuốc chống nôn hoặc thuốc giảm đau) được thiết kế để điều trị cho 100 hành khách.
Trên máy bay còn có một hộp y tế khẩn cấp, chỉ được mở khi có sự đồng ý của cơ trưởng và trước sự chứng kiến của bác sĩ. Nó thường chứa một ống nghe, ống tiêm, dây ga-rô và thuốc theo toa (thuốc chống co thắt, thuốc giãn phế quản, thuốc chống co giật.). Mỗi máy bay phải có oxy sơ cứu để giúp hành khách gặp vấn đề về hô hấp trong chuyến đi.
Mặt khác, việc trang bị máy khử rung tim là không bắt buộc trên các chuyến bay ở châu Âu (nhưng lại có ở Hoa Kỳ). Tuy nhiên, một số công ty châu Âu, chẳng hạn như Air France, đã trang bị máy khử rung tim và đào tạo nhân viên của họ cách sử dụng.
Còn một điều mà bạn có thể yên tâm là theo thống kê của các hãng hàng không, gần 80% số chuyến bay có hành khách là bác sĩ. Khi tình trạng sức khỏe của hành khách vượt quá khả năng sơ cứu của tổ bay, cơ trưởng sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của bác sĩ trong số các hành khách trên chuyến bay.
Theo số liệu từ cố vấn y tế của Air France, khi phi hành đoàn hỏi “Có hành khách nào là bác sĩ trên máy bay không?”, gần 78% trường hợp họ nhận được câu trả lời "có". Đó là một trong các lý do vì sao không máy bay nào có bác sĩ.
Nhiều nước quy định, trong trường hợp khẩn cấp và vì lý do chính đáng, khi cơ trưởng kêu gọi sự hỗ trợ mà các bác sĩ có mặt trên chuyến bay không lên tiếng giúp đỡ, họ có thể bị phạt tù. Ở Pháp, bác sĩ từ chối lời kêu gọi này có thể bị truy tố vì tội không giúp đỡ người đang gặp nguy hiểm, có thể phải ngồi tù 5 năm tù và nộp phạt 75.000 euro.
Trong trường hợp khẩn cấp về y tế, máy bay có thể bị chuyển hướng để hành khách được điều trị tại bệnh viện gần nhất. Với chuyếnbay dài ra nước ngoài, máy bay thường được chuyển hướng đến thủ đô gần nhất.