Gấu trúc được đón như 'sao' tại Australia

  •  
  • 1.320

Thủ hiến bang tới tận sân bay, lễ diễu hành rầm rộ, cảnh sát hộ tống và đại tiệc trên đường phố là những hoạt động mà một thành phố tại Australia đã thực hiện để đón một cặp gấu trúc từ Trung Quốc.

Theo AP, gấu đực Wang Wang (4 tuổi) và gấu cái Fu Ni (3 tuổi) tới thành phố Adelaide hôm 28/11 theo thỏa thuận cho mượn giữa Trung Quốc và Australia. Chúng sẽ sống trong vườn thú thành phố 10 năm.

12 người mặc trang phục giống hệt gấu trúc đứng thành hàng trên đường băng tại sân bay Adelaide để chào đón phi cơ chở cặp gấu trúc. Ông Mike Rann, thủ hiến bang Nam Australia, cùng nhiều quan chức bang và ban lãnh đạo vườn thú Adelaide, cũng ra sân bay với biểu ngữ có dòng chữ “Welcome” (chào đón). Họ cũng mang theo những cành trúc non để tặng gấu.

Sau khi cặp gấu rời khỏi máy bay, một đoàn xe gồm 18 chiếc rời phi trường để tiến vào trung tâm thành phố Adelaide. Tại đây người ta tổ chức một lễ diễu hành qua nhiều đường phố và một đại tiệc mà mọi người dân có thể tham gia. Bữa tiệc kéo dài tới hết chiều hôm đó.

Cảnh sát hộ tống cặp gấu tới vườn thú, nơi chúng sẽ sống trong một khu vực có diện tích 10 hecta. Khu vực này được thiết kế giống như rừng tự nhiên, bao gồm vô số cây tre và những tảng đá có thể tự động hạ nhiệt độ. Với những tảng đá ấy, giới chức vườn thú hy vọng hai con gấu sẽ cảm thấy thoải mái trong những mùa hè nóng nực tại Australia. Hai chuyên gia về gấu trúc sẽ ở Adelaide trong vài tháng để giúp chúng thích nghi với môi trường mới. Hai con gấu sẽ ở trong khu vực cách ly 30 ngày trước khi ra mắt công chúng.

Gấu trúc Wang Wang trong Trung tâm lai giống gấu trúc lớn Bifengxia, thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: AP.


“Hai con gấu tỏ ra vui vẻ, thoải mái khi vào khu vực cách ly. Chúng duỗi chân và ăn hoa quả”, Emily Rice, người phát ngôn của vườn thú, cho biết.

“Giấc mơ của chúng tôi đã trở thành hiện thực”, Chris West, giám đốc điều hành vườn thú Adelaide, phát biểu.

West hy vọng cặp gấu trúc sẽ tạo ra khoản doanh thu 600 triệu AUD (khoảng 10.415,4 tỷ VNĐ) trong 10 năm ở Adelaide. Theo tính toán của chính quyền bang Nam Australia thì 1,3 triệu người dân xứ chuột túi và hơn 262.000 du khách nước ngoài sẽ tới vườn thú để xem gấu.

Trung Quốc thường tặng những con vật quý cho nước ngoài để thể hiện mối quan hệ hữu hảo. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hứa cho Australia mượn cặp gấu trúc trong chuyến thăm nước này vào năm 2007. Chúng từng sống tại Trung tâm lai giống gấu trúc lớn Bifengxia, thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Trước đó chúng được nuôi tại Trung tâm nghiên cứu gấu trúc lớn Wolong – nơi bị phá hủy trong trận động đất khủng khiếp năm ngoái.

Theo AP, thế giới chỉ còn khoảng 1.600 gấu trúc sống trong môi trường hoang dã. 120 con khác đang sống trong các vườn thú và cơ sở lai giống của Trung Quốc. Nước này chủ trương cho nước khác thuê gấu trúc trong thời hạn nhất định. Số tiền thu về sẽ được dùng để thực hiện các chương trình nghiên cứu và tạo giống loài động vật này. Theo các điều khoản trong hợp đồng cho thuê, những gấu trúc được sinh ra ở nước ngoài vẫn là tài sản của Trung Quốc.

Theo VnExpress
  • 1.320