Gene là thủ phạm gây cơn tam bành

  •   52
  • 586

Các nhà khoa học Đức vừa tìm ra một gene khiến một số cá nhân dễ nổi nóng hơn người khác mỗi khi bị kích động. 

Ảnh: Inmagine.com

Một nhóm chuyên gia của Đại học Bonn (Đức) yêu cầu hơn 800 người điền vào phiếu khảo sát với những câu hỏi liên quan tới cách kiềm chế cơn giận dữ.

Sau đó, các nhà khoa học phân tích AND của những người tham gia cuộc khảo sát để tìm hiểu xem họ mang phiên bản nào của DARPP-32. Đây là gene quy định nồng độ dopamine – một chất truyền dẫn thần kinh gây cảm giác hưng phấn. Nếu nồng độ dopamine trong não quá cao, con người rất dễ nổi nóng, liều lĩnh hoặc bốc đồng. Gene DARPP-32 có ba phiên bản: TT, TC và CC.

Kết quả phân tích cho thấy cá nhân sở hữu phiên bản TT và TC tỏ ra dễ nổi nóng hơn so với người có phiên bản CC.

Martin Reuter, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu: “Nói theo cách khác, người sở hữu phiên bản TT và TC không thể kiểm soát cảm xúc của họ một cách hiệu quả như người mang phiên bản CC”.

So với các nước phương Đông, phiên bản TT và TC phổ biến hơn trong xã hội phương Tây. Nhiều nhà khoa học cho rằng thói quen thể hiện sự giận dữ giúp con người dễ đạt được thành công trong cuộc sống.

“Tất nhiên, những cá nhân thường xuyên nổi nóng thái quá thường bị xa lánh. Song việc thể hiện sự giận dữ ở mức độ hợp lý giúp chúng ta khẳng định vị thế trong xã hội”
, Reuter nhận xét.

Nhóm nghiên cứu nói thêm rằng, gene chỉ là một trong nhiều yếu tố khiến con người không kiểm soát được cảm xúc và DARPP-32 cũng chỉ là một trong những gene khiến chúng ta dễ nổi nóng. Chỉ gần một nửa số người nóng tính sở hữu những gene có tác dụng giống như DARPP-32.

Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) hồi đầu năm chỉ ra rằng, những người sẵn sàng thể hiện sự giận dữ thường thành công hơn trong công việc và đời sống riêng tư so với những cá nhân hay kiềm chế cảm xúc. Nghiên cứu cũng cho thấy, những người kiềm chế cơn giận ít nhất ba lần trong tuần có xu hướng bất mãn trong cuộc sống cá nhân và khó thăng tiến trong sự nghiệp.

Theo VnExpress (Telegraph)
  • 52
  • 586