Ghép tế bào gốc để điều trị 40 bệnh hiểm nghèo

  •  
  • 7.385

“Trước mắt, chúng ta sẽ sử dụng công nghệ ghép tế bào gốc điều trị bệnh ung thư máu. Sau đó là từng bước nghiên cứu, áp dụng điều trị 40 bệnh hiểm nghèo khác mà thế giới đã thành công bằng ghép tế bào gốc” - phó trưởng Ban Khoa giáo T.Ư, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, người chủ trì một trong hai dự án ngân hàng máu cuống rốn phục vụ ghép tế bào gốc ở VN, cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần biết.

Ông Hùng nói thêm:

GS-TS Phạm Mạnh Hùng
(Ảnh: TTO)

- Ngân hàng của chúng tôi chỉ hướng về một mục tiêu lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn và tế bào gốc màng dây rốn, từ sự liên kết của Bộ Khoa học - công nghệ và Công ty dược phẩm Mekophar. Tháng bảy này, ngân hàng chính thức khai trương và kế hoạch bước đầu của chúng tôi là lưu giữ 5.000 mẫu tế bào gốc cuống rốn, màng dây rốn/năm, những năm tiếp theo có thể nhiều hơn.

* Tại sao chỉ lựa chọn lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn, màng dây rốn mà không phải là tế bào gốc máu ngoại vi như một số cơ sở y tế ở VN đã làm, thưa ông?

- Tôi có thể nói đây là nguồn tế bào gốc rất lý tưởng. Ưu điểm của nguồn tế bào gốc này là dễ thu hoạch, không ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và con (thông thường sau khi sinh, ở VN thường bỏ đi dây rốn nhưng thật ra đây là món quà quí giá mà tạo hóa đã ban tặng con người); tế bào gốc từ dây rốn là loại tế bào “trẻ”, khả năng sinh sôi tốt. Thông thường nuôi cấy trong một tuần, từ một dây rốn có thể tạo được 7 tỉ tế bào, đủ điều trị cho bệnh nhân; trong khi nếu nuôi cấy từ tế bào gốc máu ngoại vi thì rất khó có thể có lượng tế bào trên. Điểm đặc biệt nữa là tế bào gốc lấy từ dây rốn dễ được cơ thể chấp nhận, tránh được việc thải loại.

* Tháng bảy tới đây, một trong hai ngân hàng tế bào gốc cuống rốn và màng dây rốn sẽ ra đời. Mục đích lưu giữ là gì, thưa ông?

- Trước hết, giữ là để điều trị cho chính những người có tế bào gốc cuống rốn được lưu giữ và người thân của họ nếu họ có nhu cầu. Ở nước ngoài, những người được lưu giữ tế bào gốc sẽ phải trả phí hàng ngàn USD, nhưng ở VN phí phải trả có thể rất nhỏ. Các mẫu tế bào gốc này cũng có thể chia sẻ để ghép cho những người mắc bệnh khác nếu họ có chỉ số sinh hóa phù hợp (năm 2006 đã có năm người bệnh ung thư được điều trị bằng ghép tế bào gốc lưu giữ tại Bệnh viện Huyết học và truyền máu TP.HCM). Một mục tiêu quan trọng nữa là lưu trữ để thử thuốc, thử mỹ phẩm... Điều này đã có nhiều nước trên thế giới ứng dụng. Tế bào gốc từ cuống và màng dây rốn có thể sử dụng điều trị cho ba thế hệ (người có tế bào gốc được lưu trữ hoặc anh em của họ, cha mẹ và ông bà họ). Tại Nhật và Hàn Quốc, tế bào này chủ yếu sử dụng điều trị cho thế hệ ông bà.

* Ông đang nói đến công nghệ ghép tế bào gốc điều trị bệnh. Có thể sử dụng công nghệ này điều trị những bệnh gì và khả năng ứng dụng tại VN ra sao?

- Thế giới đã chữa được khoảng 40 bệnh hiểm nghèo bằng ghép tế bào gốc từ dây rốn: các bệnh ung thư, liệt do chấn thương, đột quị, tim mạch, tiểu đường... Tại VN, Bệnh viện Huyết học và truyền máu TP.HCM, Viện 108, Bệnh viện Trung ương Huế đã thành công trong sử dụng ghép tế bào gốc điều trị bệnh nhân ung thư máu. Trước hết, chúng ta sẽ tiếp tục công việc này và tiến tới nghiên cứu, ứng dụng điều trị các bệnh mà thế giới đã thành công.


Việc thu gom, nuôi cấy và điều trị bằng tế bào gốc tại Bệnh viện Huyết học và truyền máu TP.HCM

Nhiều nước trên thế giới đã đi những bước dài, nhưng chậm còn hơn là không bao giờ, và vì thế chúng tôi mới kết hợp với tư nhân (Công ty Mekophar) để tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư và cơ chế. Tuy nhiên, một mình chúng tôi cũng khó có thể đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ. Hướng của đề án là sau khi thu lượm và lưu trữ các tế bào gốc từ dây rốn, chúng tôi sẽ biệt hóa các tế bào gốc thành nhiều loại tế bào như tim, tụy, xương, thần kinh... Các bệnh viện chuyên ngành phải kết hợp với chúng tôi trong việc sử dụng tế bào gốc đã được biệt hóa để ghép và điều trị cho người bệnh tương ứng.

* Tốc độ ứng dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc trong hơn mười năm qua ở VN rất chậm (mười năm chỉ có 60 bệnh nhân được điều trị). Cơ sở nào khiến ông cho rằng có thể ứng dụng thật sự công nghệ ghép tế bào gốc cuống rốn, màng dây rốn điều trị bệnh tại VN?

- Phương pháp của tôi là có chủ đề khoa học, từ đó mới đi tìm kỹ thuật và trang thiết bị để phục vụ kỹ thuật. Đây là phương pháp tôi đã học được từ GS Hồ Đắc Di trong những ngày làm thư ký cho cụ. Hiện một số học trò của tôi đang sống và làm việc ở nước ngoài đã tìm ra công nghệ và chuyển giao cho chúng ta toàn bộ từ quá trình thu thập, lưu giữ tế bào gốc từ dây rốn, màng dây rốn, sau đó sẽ là phương pháp biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau. Trước đây họ là học trò của tôi, nhưng giờ đây họ giỏi hơn tôi trong lĩnh vực này và tôi lại đi học họ. Nếu có thiết bị, tôi nghĩ việc biệt hóa tế bào gốc thành các loại tế bào khác nhau không khó, chúng ta sẽ làm được. 

Bác sĩ Huỳnh Nghĩa (Bệnh viện Huyết học và truyền máu TP.HCM - đơn vị sẽ khai trương ngân hàng tế bào gốc lớn vào tháng 9-2007): Trong mười năm qua, chúng tôi đã ghép tế bào gốc điều trị khoảng 50 người, trong khi nhu cầu riêng các tỉnh phía Nam có 700 người cần được ghép để điều trị. Từ năm 2006 trở lại đây, tốc độ triển khai kỹ thuật đã nhanh hơn: năm 2006 mỗi tháng có một người được ghép và 2007 này sẽ có 20 trường hợp được ghép.

Có ba lý do khiến việc triển khai kỹ thuật tế bào gốc tại VN chậm. Đó là cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn; bảo hiểm y tế chưa chi trả đầy đủ và nguồn nhân lực còn thiếu. Hiện chúng tôi đã có một “ngân hàng” tế bào gốc, lưu trữ 1.800 mẫu máu cuống rốn, 1.200 mẫu trong đó đạt chuẩn quốc tế và sẵn sàng sử dụng để ghép nếu có bệnh nhân phù hợp (năm 2006 đã có năm bệnh nhân được ghép từ các mẫu lưu trữ trong ngân hàng). Tháng 9-2007, chúng tôi sẽ chính thức khai trương ngân hàng mới với khả năng lưu trữ 7.000 mẫu tế bào gốc trong tương lai. 

Tại VN hiện có nhiều đơn vị  nghiên cứu ứng dụng công nghệ ghép tế bào gốc. Bệnh viện Huyết học và truyền máu TP.HCM, ĐH Y Hà Nội, Bộ Khoa học - công nghệ... nghiên cứu sử dụng công nghệ ghép tế bào gốc điều trị bệnh cho người. ĐH Khoa học tự nhiên, Viện Công nghệ sinh học nghiên cứu cả hai hướng phát triển giống vật nuôi và điều trị bệnh. Trong đó, Viện Công nghệ sinh học đã thành công trong nhân bản phôi một số loài động vật như chuột, trâu, bò nhà, bò tót, lợn, khỉ, sao la, trong đó việc nhân bản vô tính bò và lợn là hoàn toàn trong tầm tay. Các thành công này mở ra hướng điều trị bệnh cho người bằng ghép khác loài, trong đó có giống lợn nhỏ có kích thước các cơ quan phù hợp với người và sạch dòng virus nội sinh. Viện Công nghệ sinh học cũng đã thành công trong nuôi cấy tế bào gốc từ cuống rốn. ĐH Khoa học tự nhiên đang nghiên cứu công nghệ tế bào gốc để tạo giống cá trê, cá tra sạch bệnh...

PGS-TS Phan Toàn Thắng trước đây công tác tại Viện Bỏng quốc gia VN và nay đang sống, làm việc tại Singapore, là người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công qui trình nuôi cấy tế bào gốc từ màng dây rốn. Hiện PGS Thắng đã biệt hóa tế bào gốc từ màng dây rốn thành tế bào mỡ, sụn, da, thần kinh... Trong đó tế bào da biệt hóa đã được sử dụng để nuôi cấy loại da nhân tạo, rất hữu ích trong điều trị bỏng, đặc biệt là các vết bỏng sâu, rộng, vết loét lâu lành. Các vết bỏng, vết loét được điều trị bằng phương pháp của PGS Thắng đều liền từ ngày điều trị thứ 20. Hiện PGS Thắng và

GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng đang cùng thực hiện dự án ngân hàng tế bào gốc nói trên. Ngoài ra, đang có một loạt nhà khoa học VN sống và làm việc tại nước ngoài thành công trong ghép tế bào gốc điều trị bệnh. Tại Nhật, một nhà khoa học gốc Việt đã thành công trong nhân bản vô tính chuột; tại Singapore, một bác sĩ nhãn khoa VN trẻ đã thành công trong ghép tế bào gốc điều trị các bệnh tổn thương giác mạc...

Theo Tuổi trẻ
  • 7.385