Giải mã hiện tượng “ma đưa” và kỹ năng thoát hiểm khi bị lạc trong rừng

  •  
  • 2.275

Ở Việt Nam, dân gian thường truyền tụng những câu chuyện ly kỳ về hiện tượng “ma đưa” với nhiều tình tiết mang tính huyền bí, tâm linh. Người Việt thường dùng khái niệm “ma đưa” để lý giải cho những trường hợp bị lạc trong rừng, có những biểu hiện bất thường như: đi lòng vòng trong rừng không biết đường về nhà; bị “giấu” vào bụi rậm, gai góc; ăn uống bất thường; có biểu hiện lạ về tâm lý sau khi bị lạc trong rừng…

Vậy, tại sao lại nảy sinh hiện tượng “ma đưa”? Khi bị lạc trong rừng, bạn cần phải làm gì để thoát hiểm?

Hiện tượng “ma đưa” và nguyên nhân nảy sinh

Khi bị lạc trong rừng, với những người có kỹ năng sinh tồn trong rừng, họ sẽ bình tĩnh xử lý tình huống phát sinh và sớm tìm được đường về. Tuy nhiên, với những người thiếu kỹ năng sinh tồn trong rừng, tâm lý không vững vàng, khi bị lạc họ thường rơi vào trạng thái hoảng loạn từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhận thức, hành vi, làm nảy sinh hiện tượng “ma đưa”. Dưới góc độ tâm lý học, hiện tượng “ma đưa” chính là hệ quả của hiện tượng ảo giác (ảo ảnh tri giác).

Ảo giác là quá trình phản ảnh sai lệch các thuộc tính bề ngoài của sự vật hiện tượng một cách khách quan. Nguyên nhân dẫn đến ảo giác có thể do nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là 3 nguyên nhân sinh lý, vật lý và tâm lý.

Người bị lạc trong rừng có thể bị “ma đưa” cũng do 3 nguyên nhân cơ bản sau:

Nguyên nhân sinh lý: Khi bị lạc trong rừng, cơ thể mệt mỏi, đói khát, sức khỏe suy giảm sẽ làm cho độ nhạy cảm của các giác quan tăng hoặc giảm dẫn đến phản ánh sai lệch về sự vật hiện tượng. Chẳng hạn, khi lạc trong rừng, do quá đói khát, người bị lạc có thể bị ảo giác, không nhận biết được sự vật xung quanh dẫn đến việc họ có thể ăn đất, bùn, thậm chí là phân động vật, uống nước bẩn… Hoặc, do quá mệt mỏi và bản năng muốn được an toàn, một số người thường cố gắng chui vào bụi cây rậm rạp, gai góc để được ngủ, lúc đó họ không biết đau do độ nhạy cảm của các giác quan giảm đáng kể.

Vì vậy, không hiếm trường hợp khi tìm thấy người bị lạc chui vào bụi tre gai, họ không thể tự đi ra được, người khác cũng khó khăn để đưa họ ra ngoài, phải chặt lần lượt tre từ ngoài vào trong để đưa họ ra.

 Dưới góc độ tâm lý học, hiện tượng “ma đưa” chính là hệ quả của hiện tượng ảo giác
 Dưới góc độ tâm lý học, hiện tượng “ma đưa” chính là hệ quả của hiện tượng ảo giác.

Nguyên nhân vật lý: khi bị lạc trong rừng, nếu là rừng rậm, cây cối thường mọc dày đặc, nhiều địa điểm giống nhau làm cho người bị lạc rất khó định hướng, phân biệt. Mặt khác, khi bị lạc trọng đêm hoặc trong rừng rậm, điều kiện thiếu ánh sáng sẽ làm cho người bị lạc phản ánh sai lệch sự vật hiện tượng xung quanh. Ngoài ra, do bị ảnh hưởng bởi qui luật vận động tự nhiên của cơ thể “đi theo vòng tròn” nên người bị lạc thường đi lòng vòng và trở về vị trí cũ.

Như vậy, do sự sắp xếp về không gian vật lý, điều kiện tri giác… khi bị lạc trong rừng thường làm cho người bị lạc không xác định được phương hướng, đi lòng vòng, thậm chí khi đến địa điểm quen thuộc cũng không nhận ra.

Nguyên nhân tâm lý: Khi bị lạc trong rừng do quá lo lắng, hoảng loạn, rất mong muốn được về nhà… tất yếu sẽ làm cho người bị lạc bị ảo giác. Họ thường cảm nhận đêm dài vô tận, không phân biệt được thời gian, không gian, nghe thấy âm thanh, nhìn thấy hình ảnh ghê rợn và thường bị ám ảnh bởi âm thanh, hình ảnh đó cho dù sau này họ trở về được. Vì vậy, nhiều người bị lạc trong rừng, khi trở về họ thường kể những câu chuyện mang tính huyền bí, thiếu logic, phi thực tế như: gặp ma quỉ, gặp người đã chết dẫn đường…

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến ảo giác kể trên, một trong những yếu tố góp phần tạo nên tính huyền bí của hiện tượng “ma đưa” thường xuất phát từ câu chuyện kể của người bị lạc. Người bị lạc khi trở về nhà, họ thường có tâm lý muốn được bù đắp, che chở, động viên nên mặc nhiên họ bị ám thị thể hiện một hình ảnh yếu đuối, khác thường.

Mặt khác, tâm lý chung, những người bị nạn, bị lạc trong rừng, thường không thừa nhận là do mình thiếu kỹ năng, tâm lý yếu mà thường đổ lỗi cho khách quan, trong trường hợp này họ sẽ cố thêu dệt thêm những tình huống ly kỳ, huyền bí để ngụy biện cho sự yếu kém của mình.

Một số kỹ năng an toàn khi bị lạc trong rừng

Rất nhiều người có thể cười mỉa khi cho rằng, ở thời đại hiện nay, đặc biệt là Việt Nam, khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, rừng bị tàn phá nặng nề… không còn rừng để đi lạc nên không cần thiết phải học kỹ năng an toàn khi bị lạc trong rừng.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp, ngay cả những người làm nghề đi rừng vẫn bị lạc, chưa tính đến bạn có thể đi du lịch đến khu vực rừng núi, thậm chí đi du lịch ở nước ngoài, ngay cả việc di tham quan một khu rừng nguyên sinh nhỏ, nếu thiếu kỹ năng các bạn hoàn toàn có nguy cơ bị lạc trong rừng.

Vậy cần phải làm gì để tránh bị lạc và khi bị lạc trong rừng, cần phải làm gì để được an toàn. Dưới đây là một số kỹ năng an toàn cơ bản.

Để tránh bị lạc trong rừng, khi vào một khu rừng lạ bạn cần phải được trang bị một số kỹ năng sau:

Chuẩn bị vật dụng, phương án liên lạc, ứng cứu trước khi đi rừng

Đây là bước rất quan trọng giúp bạn không rơi vào tình huống bị lạc trong rừng. Nếu bạn chủ động đi rừng, hãy chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu, cần thiết như: dao nhọn, bật lửa, la bàn, điện thoại, đèn pin, nước uống, lương khô… để có thể giúp bạn sinh tồn trong khi bị lạc. Nếu đi theo nhóm, cần phải qui ước phương án, cách thức liên lạc, ứng cứu khi bị lạc.

Khi di chuyển trong rừng, cần phải ghi nhớ địa hình, đánh dấu hướng di chuyển

Khi di chuyển trong rừng, cần phải ghi nhớ địa hình đã di chuyển qua, nên chú ý đặc điểm nổi bật của địa hình như ngã ba đường mòn, cây to, sông, suối… để dễ định hướng quay lại. Nếu cần thiết cần phải đánh dấu bằng ký hiệu riêng để nhận biết hoặc có thể sử dụng điện thoại thông minh chụp lại địa hình đã đi qua.

Khi bị lạc trong rừng, để được an toàn cần phải thực hiện một số bước cơ bản sau:

Bảo toàn sức khỏe, làm chủ trạng thái tâm lý

Khi phát hiện mình bị lạc, trước hết cần tìm một địa điểm thích hợp để nghỉ ngơi, bảo toàn sức khỏe. Không nên cố gắng chạy ngược, chạy xuôi để tìm đường về làm cho cơ thể mệt mỏi và trở nên mất bình tĩnh. Việc ngồi nghỉ không chỉ giúp bạn bảo toàn sức khỏe mà còn giúp bạn bình tĩnh hơn để tính toán các bước tiếp theo để thoát hiểm. Phải bình tĩnh, không được hoảng loạn và suy nghĩ tiêu cực, hãy ngồi nghỉ cho đỡ mệt, nếu đem theo nước hãy uống nước và thư giãn để lấy lại sự bình tĩnh.

Định vị - định hướng

Nếu bạn có đem theo smart phone có chức năng định vị và ở khu vực có phủ sóng điện thoại, việc xác định vị trí của bạn không khó khăn. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, bạn cần phải vận dụng một số cách cổ điển để xác định vị trí của mình như: trèo lên cây cao, điểm cao để quan sát; ước lượng thời gian, tốc độ, khoảng cách di chuyển để xác định vị trí hiện tại của mình…

Bạn nên dùng que hoặc dao vẽ sơ đồ trên mặt đất để xác định vị trí của mình, việc làm này không chỉ giúp bạn định vị được mà còn làm cho bạn bình tĩnh, có niềm tin vào bản thân hơn.

Khi đã định vị được, tiếp theo cần phải định hướng để trở về, thoát ra khỏi rừng. Trước tiên, bạn cần phải xác định được mình vào rừng theo phương hướng nào. Chẳng hạn đi theo phương Đông – Tây hoặc Nam – Bắc… từ đó tìm được hướng ngược lại để định hướng di chuyển trở về. Nếu ban ngày, bạn cần xác định thời gian, hướng mặt trời mọc hay lặn để xác định được hướng Đông hoặc Tây.

Hoặc có thể quan sát rêu trên vỏ cây rừng, phiến đá để xác định hướng Đông hoặc Tây, thông thường rêu thường không mọc ở hướng Tây. Khi đã xác định được hướng Đông hoặc Tây, bạn hãy đứng dang rộng tay, tay trái chỉ về hướng Đông, tay phải chỉ về hướng Tây, hướng trước mặt của bạn sẽ là hướng Nam và sau lưng bạn là hướng Bắc. Nếu là ban đêm, bạn có thể quan sát sao để định hướng nhưng cách này thường phức tạp và nên định hướng, di chuyển vào ban ngày, không nên di chuyển vào ban đêm.

Trong trường hợp địa hình có sông, suối và bạn đã xác định được bạn đi vào rừng từ hướng hạ lưu hay thượng lưu hãy men theo sông suối để tìm đường ra khỏi nhà mà không cần quan tâm đến các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Hoặc nếu bạn gặp sông suối mà bạn chưa đi qua hay men xuôi dòng vì chắc chắn dọc theo sông suối sẽ đổ về đồng bằng hoặc có người ở, khả năng thoát hiểm của bạn sẽ cao hơn đi hướng khác.

Nếu bạn trèo lên cây hoặc điểm cao, cố gắng quan sát xung quanh, nếu thấy có khói, nóc nhà dân cần định hướng để đi theo hướng đó. Ban đêm cũng có thể treo lên cây hoặc điểm cao để quan sát ánh đèn, đốm lửa nếu khoảng cách gần có thể di chuyển ngay nhưng nếu xa cần phải nghỉ lại qua đêm, xác định phương hướng để ban ngày di chuyển.

Bạn cũng có thể chú ý lắng nghe âm thanh để định hướng như âm thanh của phương tiện giao thông, tiếng chuông nhà thờ, chuông chùa, tiếng nước suối, thác nước…

Trú ẩn an toàn vào ban đêm

Khi trời sắp tối, nếu nhận thấy chưa tìm được lối ra hoặc không chắc chắn sẽ thoát ra khỏi rừng an toàn nên tính đến phương án ở lại qua đêm trong rừng và cần phải chuẩn bị trước một số điều kiện để có thể qua đêm trong rừng an toàn. Trước tiên cần phải tìm một vị trí trú ẩn an toàn, có thể chọn hốc đá ở trên cao, hang động, hoặc nhánh cây lớn… để trú ẩn.

Nếu là mùa mưa, cần chú ý chọn chỗ trú ẩn tránh mưa hoặc lấy lá cây rừng dựng, che chắn để tạo nơi trú ẩn an toàn. Có thể lấy củi khô, cành cây làm hàng che chắn xung quanh để ngăn thú dữ hoặc dùng dây leo tự nhiên kết thành võng để nằm để tránh côn trùng, rắn rết. Cần phải chuẩn bị một cành cây dài để cạnh người khi ngủ để có thể tự vệ khi bị thú dữ tấn công.

Cần chuẩn bị nhiều cành cây khô để đốt sưởi ấm trong đêm. Nếu có theo bật lửa hãy giữ cẩn thận tránh bị mất hoặc ướt không sử dụng được, nhóm lửa khi trời tối. Nếu không đem theo bật lửa, bạn có thể tạo ra lửa bằng nhiều cách khác nhau, cách đơn giản nhất là dùng bùi nhùi và khoét khe ở một cành cây khô, dùng một cành cây khô khác vót nhọn chà liên tục vào nhau tạo nhiệt sinh ra lửa bén vào bùi nhùi. Hoặc có tạo lửa vào ban ngày bằng phương pháp kính hội tụ nhờ ánh sáng mặt trời. Hãy cố gắng nhóm lửa trong đêm, lửa không chỉ giúp bạn sưởi ấm, chống thú dữ mà còn có thể giúp bạn báo hiệu cho người khác hoặc chế biến thức ăn tạm qua đêm.

Tìm thức ăn và nước uống

Bạn cần kiểm tra xem lượng nước đem theo còn nhiều hay ít, nếu còn ít cần phải tìm nguồn nước để lấy nước dự phòng. Tốt nhất nên lấy nước ở sông, suối, sương trên lá cây, không nên lấy nước ở vũng nước đọng vì có thể bị ngộ độc.

Ban đêm, bạn chỉ nên tìm nguồn thức ăn xung quanh, không đi xa nơi trú ẩn, có thể chuẩn bị trước bằng cách nhặt trái cây rừng, bắt côn trùng, cá dưới suối hoặc ăn búp non của một số cây, cỏ mà bạn biết chắc không có độc để cầm cự qua đêm. Nếu đã nhóm lửa nên sơ chế qua lửa tất cả lượng thức ăn lấy được để bảo đảm an toàn.

Trường hợp bị lạc lâu ngày trong rừng, ban ngày cần phải tìm thức ăn, nước uống dự trữ để bảo đảm sức khỏe. Tốt nhất nên tìm thức ăn ở gần sông suối vì ở sông suối thường có nhiều cá, rau có thể ăn được, côn trùng… Bạn có thể liên tưởng một số cách bắt cá thông dụng để bắt cá hoặc săn bắt các loài bò sát nhỏ như rắn, thằn lằn, tắc kè… hoặc côn trùng như cào cào, châu chấu, dế… để dùng làm thức ăn.

Di chuyển và báo hiệu

Nếu xác định được phương hướng bạn có thể di chuyển để thoát ra khỏi rừng, khi di chuyển cần ghi nhớ, đánh dấu địa điểm di chuyển, để lại ký hiệu trên đường đi để lực lượng cứu hộ có thể tìm ra bạn.

Nếu chưa xác định được phương hướng, tốt nhất nên trú ẩn ở nơi an toàn, tìm cách báo hiệu với lực lượng cứu hộ hoặc người dân. Có thể đốt lửa, tạo khói để báo hiệu hoặc tìm nơi đất trống xếp cành cây, đá thành hình tam giác để lực lượng cứu hộ có thể nhìn thấy từ trực thăng. Bạn cũng có thể thử hú thành hồi dài theo chu kỳ khoảng 30 phút để báo hiệu cho lực lượng ứng cứu.

Cập nhật: 12/09/2024 CAND
  • 2.275